TẦM SOÁT GLAUCOMA
- GIỚI THIỆU
- Ở Việt Nam, glaucoma còn được biết trong dân gian với tên thiên đầu thống hay bệnh cườm nước.
- Glôcôm là bệnh lý phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam, là nguyên nhân thứ hai gây mù, vì vậy là mối đe dọa nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng.
- Bệnh lý gây tổn thương tế bào hạch võng mạc, không hồi phục được. Do đó khi được phát hiện và điều trị càng sớm thì càng nhiều số lượng thần kinh được giữ lại.
- Bệnh có tính chất gia đình.
- Và xuất hiện mọi lứa tuổi, thường ở người trên 40 tuổi. Tuy nhiên, tỉ lệ tương đối thấp nhưng glôcôm có thể gặp ở trẻ em, là bệnh lý bẩm sinh, do rối loạn trong thời kỳ bào thai hoặc do gen di truyền.
- Về mặt chuyên môn, glôcôm phân loại rất phức tạp. Ở đây, về y học thường thức, để dễ hiểu tôi xin phép được phân loại bệnh lý thành glôcôm cấp tính, glôcôm mãn tính.
- DẤU HIỆU NHẬN BIẾT GLAUCOMA
- Glôcôm trẻ em: hay chảy nước mắt tự nhiên, thị lực kém, đi lại hay vấp ngã. Nếu người nhà thấy bé có những triệu chứng trên thì nên cho đi khám ngay.
- Glôcôm cấp tính: triệu chứng thường rõ ràng bao gồm: đau nhức mắt, kèm nhức đầu cùng bên, nhìn mờ đột ngột, nhìn đèn thấy quầng xanh đỏ do áp lực trong mắt tăng đột ngột, (dễ nhầm lẫn với các bệnh đau thần kinh, tăng huyết áp) kèm theo buồn nôn, nôn, mắt đỏ. Bệnh nhân cần đi cấp cứu.
- Glôcôm mạn tính: không có triệu chứng rõ ràng, tiến triển chậm nên thường được phát hiện muộn. Bệnh nhân không cảm thấy đau nhức mắt, một số trường hợp có thể thấy nhìn mờ như màn sương vào buổi sáng, độ kính lão tăng nhanh bất thường hoặc căng tức mắt thoáng qua. Các triệu chứng như: tổn hại thị trường, thị trường ống, mất định thị trung tâm thường chỉ xảy ra ở giai đoạn muộn của bệnh. Do đó, bệnh nhân cần được tầm soát bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt để có hướng chăm sóc, bảo vệ, điều trị đúng.
- YẾU TỐ NÀO DẪN ĐẾN CĂN BỆNH NÀY
Cơ chế sinh bệnh chưa rõ ràng, tuy nhiên glaucoma thường xuất hiện ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ sau đây:
- Tuổi: glôcôm là bệnh lý liên quan tới tuổi, càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh, đặc biệt trên 40 tuổi. Đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Nhóm tuổi này dù không có bệnh lý toàn thân gì khác, không có biểu hiện bất thường gì ở mắt cũng nên đi khám mắt định kỳ mỗi năm một lần.
- Yếu tố gia đình: bố mẹ, ông bà, anh chị mắc bệnh (khả năng mắc bệnh cao gấp 3.69 lần nếu có anh chị em mắc bệnh và gấp 2.17 lần có bố mẹ mắc bệnh).
- Một số loại thuốc (thuốc chống trầm cảm điều trị cho bệnh nhân trầm cảm, lo âu; thuốc chống động kinh điều trị động kinh, đau đầu migraine hay đau nửa đầu; corticosteroid điều trị các bệnh đau nhức xương khớp, các bệnh da…) và bệnh lý toàn thân mãn tính cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh glaucoma (tăng huyết áp, đái tháo đường, đau đầu migraine, xương khớp, tim mạch…).
- Viễn thị, cận thị có độ cao.
- Tiền sử từng phẫu thuật mắt, chấn thương mắt.
- Một yếu tố nguy cơ đặc biệt quan trọng trong bệnh lý glôcôm: nhãn áp (áp lực của mắt). Mọi người thường nhầm lẫn bệnh lý glôcôm là tăng nhãn áp tuy nhiên tăng nhãn áp chỉ là 1 triệu chứng/1 yếu tố nguy cơ. Đánh giá yếu tố nguy cơ này, bác sĩ cần sử dụng các phương tiện đo nhãn áp. Hiện tại, phòng khám Ngọc Minh có trang bị máy đo nhãn áp hơi không tiếp xúc, là một phương tiện đánh giá nhãn áp hiệu quả và nhanh chóng. Bệnh nhân từng có triệu chứng tăng nhãn áp đã được điều trị cần tái khám định kỳ để theo dõi có tiến triển thành bệnh glôcôm hay không.
- HẬU QUẢ
- Glôcôm gây chết các tế bào hạch ở võng mạc, những tế bào này có tác dụng thu nhận và dẫn truyền tín hiệu thị giác chính là những hình ảnh chúng ta nhìn thấy. Khi các tế bào này chết đi sẽ không thu nhận được tín hiệu thị giác làm cho vùng nhìn của tế bào đó mất đi. Vùng nhìn này còn được gọi là thị trường (là khoảng không gian mắt quan sát được khi nhìn vào một điểm cố định). Thị trường ở bệnh nhân glôcôm thu hẹp dần. Giai đoạn sau đó, khi gần như tất cả các tế bào này dần chết đi, thị trường của mắt bị mất hết sẽ dẫn đến mù lòa.
- ĐIỀU TRỊ
- Glôcôm là bệnh lý được ví như kẻ đánh cắp thị giác thầm lặng, bệnh làm mất dần lớp sợi thần kinh không phục hồi, thu hẹp thị trường, cuối cùng dẫn tới hậu quả mù lòa. Vì vậy, bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt. Điều trị bệnh ở giai đoạn sớm, chức năng thị giác còn tốt. Ngược lại, ở giai đoạn muộn, chức năng thị giác không còn nhiều.
- Mục đích điều trị glôcôm không phải để phục hồi phần chức năng thị giác đã mất đi, mà điều trị chỉ nhằm mục đích kiểm soát yếu tố nguy cơ là nhãn áp như tôi đã đề cập trước đó để ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
- Điều trị bệnh glaucoma là điều trị suốt đời.
- Phương pháp điều trị: có ba pp điều trị chính: dùng thuốc, laser và phẫu thuật. Tùy vào phân loại bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp, có khi là kết hợp các phương pháp lại với nhau để đạt mục tiêu điều trị.
- Nhờ vào các tiến bộ y học kỹ thuật mà hiện nay có nhiều cải tiến trong cả ba phương pháp điều trị trên.
- Thuốc: có nhiều loại thuốc mới giúp hạ nhãn áp, bảo vệ thị thần kinh thị giác.
- Laser: các phương pháp laser mới cải tiến có tác dụng chọn lọc, siêu chọn lọc giúp bảo tồn tối đa vùng mô lành trên mắt người bệnh.
- Phẫu thuật: ngoài những phương pháp kinh điển vẫn chứng minh được nhiều hiệu quả, các phương pháp phẫu thuật mới với ưu điểm xâm lấn tối thiểu đảm bảo an toàn tối đa trong quá trình can thiệp giúp bệnh nhân yên tâm hơn khi điều trị.
- Trong ba phương pháp nếu trên, quý bệnh nhân cần lưu ý về phương pháp điều trị thuốc vì hiệu quả của phương pháp này phụ thuộc nhiều vào sự tuân thủ của bệnh nhân. Bệnh nhân cần dùng thuốc đúng thời gian, liều lượng và không được quên thuốc. Khi mới điều trị chưa quen tốt nhất bệnh nhân nên đặt lời nhắc vào các thiết bị nhắc để tránh quên, điều trị một thời gian bệnh nhân sẽ quen với lịch dùng thuốc.
- LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT HIỆN BỆNH SỚM
- Nếu có các triệu chứng của thể trẻ em như: bé hay chảy nước mắt tự nhiên, mắt hay ướt, thị lực kém, đi lại hay vấp ngã; người nhà cần đưa bé đi khám sớm.
- Hoặc các triệu chứng ở thể cấp tính: đau nhức mắt, kèm nhức đầu cùng bên, buồn nôn/nôn, nhìn mờ, nhìn đèn thấy quầng xanh đỏ, đỏ mắt; bệnh nhân cần đi cấp cứu để được can thiệp kịp thời.
- Ngoài ra, bệnh nhân cần khám mắt định để phát hiện sớm bệnh ở thể mãn tính. Ở người khỏe mạnh 1-2 năm 1 lần. ở người thuộc nhóm yếu tố nguy cơ cao cần đi tái khám mỗi 6 tháng đến 1 năm. Bệnh nhân cần được đánh giá tình trạng nhãn áp, soi đáy mắt. Ở Ngọc Minh, bên cạnh máy đo nhãn áp hơi như đã đề cập, chúng tôi còn có máy sinh hiển vi kết hợp với các loại kính soi đáy mắt. Ngoài ra, thiết bị cao cấp hơn là máy chụp cắt lớp võng mạc OCT cũng được trang bị để phục vụ cho việc tầm soát và theo dõi bệnh nhân glôcôm trong một số trường hợp.