fbpx

CÂU LẠC BỘ BỆNH NHÂN HÀNG TUẦN CHỦ NHẬT 28/07/2024 CHỦ ĐỀ: SỐNG CHUNG VỚI BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH PHỤ TRÁCH: TS. BS. ĐỖ THỊ TƯỜNG OANH

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA NGỌC MINH

CÂU LẠC BỘ BỆNH NHÂN

SỐNG CHUNG VỚI

BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

MƯỜI ĐIỀU CẦN BIẾT

TS. BS. ĐỖ THỊ TƯỜNG OANH

 

1. Hiểu rõ diễn tiến của bệnh

2. Các dấu hiệu cảnh báo đợt cấp

3.  Ngưng thuốc lá và tránh khói ô nhiễm

4. Chủng ngừa cúm và phế cầu

5.Tuân thủ điều trị theo chỉ định bác sĩ

6. Sử dụng thuốc đường hít đúng cách

7. Tập vận động đều đặn và tích cực

8. Chế độ ăn hợp lý

9. Tập thở đúng cách và đối phó với cơn khó thở

10. Tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt hàng ngày

 

1, Hiểu rõ diễn tiến của bệnh

Hiểu rõ về bệnh tật giúp ta bớt lo lắng về bệnh, có chuẩn bị và biết cách đối phó với bệnh.

BPTNMT là căn bệnh mạn tính, diễn tiến nặng dần và thỉnh thoảng xuất hiện những đợt cấp.

2. Các dấu hiệu cảnh báo đợt cấp

•    Khó thở nhiều hơn: Nặng ngực, mệt, dùng nhiều thuốc cắt cơn hơn, kê nhiều gối hơn, ăn kém hơn…

•    Thay đổi tính chất đàm: Đàm đổi màu, đàm đặc hơn, khó khạc đàm.

•    Tăng lượng đàm: Khạc đàm nhiều hơn bình thường

•    Các dấu hiệu nặng: Mệt lã, tím môi hoặc tím đầu ngón tay, lú lẫn, nói nhảm, thay đổi hành vi, ngủ gà, lơ mơ hoặc hôn mê.

3. Ngưng hút thuốc và tránh khói ô nhiễm

•    Ngưng hút thuốc là biện pháp đầu tiên và hữu hiệu để làm chậm sự sụt giảm chức năng hô hấp ở người BPTNMT.

•    Ngưng thuốc lá đòi hỏi sự quyết tâm lớn và hỗ trợ của nhân viên y tế.

•    Người không hút thuốc cần chú ý cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường sống.

•Tổng đài tư vấn cai thuốc lá 18006606:           BẠN KHÔNG ĐƠN ĐỘC

 

4. Chủng ngừa cúm và phế cầu

Chích ngừa giúp phòng tránh phần nào các đợt nhiễm trùng hô hấp vốn là nguyên nhân thường gặp nhất của đợt cấp.

            -Chích ngừa cúm hàng năm

            -Chích ngừa viêm phổi do phế cầu trùng trước và sau 65t

.

5. Tuân thủ điều trị theo chỉ định bác sĩ

•    Hiểu rõ tác dụng và mục đích điều trị của các loại thuốc đang dùng.

•    Thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc cũng như quá ngại dùng thuốc. Cùng với bác sĩ xây dựng kế hoạch hành động và cách xử trí nếu xuất hiện các đợt cấp.

  • Thuốc giãn phế quản giúp các phế quản giãn nở làm cho khí lưu thông vào phổi dễ dàng hơn. Thuốc giãn phế quản đường hít là thuốc điều trị chủ lực trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
  • Dùng thuốc giãn phế quản hợp lý sẽ giúp bớt khó thở, chất lượng cuộc sống tốt hơn và ít xuất hiện đợt cấp hơn.

 

6. Sử dụng thuốc đường hít đúng cách

•    Thuốc đường hít có thể sử dụng lâu dài mà ít có tác dụng phụ.

•Các dạng thuốc bơm xịt, thuốc hít bột khô hay phun khí dung có hiệu quả tương tự, tùy thói quen và thuận tiện của mỗi người. Cần lưu ý để hít thuốc sao cho đúng cách, nếu không sẽ tốn kém mà bệnh không cải thiện, thêm hoang mang lo lắng.

  • Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn: (Ventolin*, Berodual*, Combivent*)

Sử dụng theo nhu cầu tức là khi cảm thấy mệt, khó thở hoặc trước khi sắp làm việc gắng sức (đi cầu thang, đi tắm, đi vệ sinh…). Do sử dụng theo nhu cầu nên không cố định số lần sử dụng trong ngày, có thể thay đổi từ không có lần nào đến 4 – 5 lần mỗi ngày.

  • Thuốc giãn phế quản tác dụng dài 24 giờ: (Spiriva Respimat; Ultibro; Anoro)

            -Thuốc có tác dụng kéo dài suốt 24 g nên chỉ cần dùng 1 lần mỗi ngày. Đây là thuốc giãn phế quản thế hệ mới, giúp giãn phế quản bảo vệ phổi suốt 24g, chống ứ khí trong phổi, giảm đợt cấp và tăng chất lượng cuộc sống.

  • Hai loại thuốc giãn phế quản kết hợp với corticoid đường hít: (Trelegy*, Breztri*)

            Nên sử dụng thường xuyên và đều đặn ở người mắc BPTNMT nặng hoặc có đợt cấp thường xuyên. Khi đó thuốc sẽ giúp làm chậm sự xuất hiện đợt cấp và giảm tử vong. Cần nhớ, thuốc chỉ có tác dụng khi sử dụng đều đặn hàng ngày trong thời gian dài và nên súc họng kỹ sau khi dùng thuốc.

7. Tập vận động đều đặn và tích cực

·         Tập luyện vận động hàng ngày hoặc ít nhất 3 lần mỗi tuần giúp tăng cường chất lượng cuộc sống và giảm bớt khó thở.

·         Nên có tư vấn của chuyên viên phục hồi chức năng, vật lý trị liệu để đánh giá trước khi tập, chọn lựa loại hình và mức độ tập luyện phù hợp.

·         Tập luyện phải có hướng tích cực, nâng dần mục tiêu mới đạt hiệu quả.

·         Tập luyện phải an toàn; ngưng tập khi có các dấu hiệu báo động: mệt nhiều, khó thở, đau ngực, tim đập nhanh, đánh trống ngực, chóng mặt, buồn nôn, đau bất thường các cơ khớp.

8. Chế độ ăn hợp lý

CHỐNG SUY DINH DƯỠNG

•         Suy dinh dưỡng làm cho BPTNMT vốn đã nặng càng nặng thêm. Nên theo dõi cân nặng thường xuyên và cố gắng không để bị sụt cân.

•      Nếu đã suy dinh dưỡng hoặc đang sụt cân, phải tăng cường năng lượng đưa vào cơ thể:

            – Ăn nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.

            – Chú ý chọn lựa khẩu phần giàu năng lượng

            – Tránh các loại thức ăn lâu tiêu

            – Tránh thức ăn sinh hơi (đồ uống có gaz, bắp cải..

            – Đừng ngại việc thở oxy trong khi ăn.

CHẾ ĐỘ ĂN

  • Dùng thuốc giãn phế quản dạng uống kéo dài thường làm giảm Kali máu → Thức ăn giàu kali: Trái cây tươi (cam, chuối, dừa, trái bơ), hạt khô, quả khô…
  • Uống đủ nước: 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày giúp loãng đàm, mềm phân…
  • Chống táo bón: Thức ăn, sữa có chất xơ

 

9. Tập thở đúng cách và biết cách đối phó với khó thở

•    Khó thở là triệu chứng gắn liền với BPTNMTà phải biết cách đối phó. Tránh hoảng hốt – Giữ bình tĩnh là yếu tố quan trọng hàng đầu.

•    Thở chúm môi là biện pháp đầu tiên trong khi chuẩn bị thuốc cắt cơn.

•    Thuốc cắt cơn luôn có sẵn, nằm trong tầm tay và luôn sẵn sàng để sử dụng.

•    Sử dụng thuốc cắt cơn đúng cách, không hấp tấp, vội vã. Lập lại khi cần sau ít nhất 30 phút.

THỞ CHÚM MÔI

•    Động tác 1: Hít vào bằng mũi hoặc miệng, đếm nhẩm 1 – 2.

•    Động tác 2: Thở ra qua miệng chúm lại như đang huýt sáo, đếm nhẩm 3 – 4 – 5 – 6.

 

CÁC TƯ THẾ CHỐNG KHÓ THỞ

Chọn các tư thế đứng sao cho phần thân trên từ hông trở lên hơi cúi về phía trước. Ở tư thế ngồi, chi trên nên đặt ở tư thế sao cho khuỷu tay hoặc bàn tay chống lên gối hay đầu tựa vào cẳng tay. Có thể tìm các điểm tựa như tường, mặt bàn, bệ gạch…

Tư thế này giúp cơ hoành di chuyển dễ dàng hơn và các cơ hô hấp ở lồng ngực hỗ trợ tốt nhất để làm nở phổi.

 

10. Tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt hàng ngày

•         Tiết kiệm năng lượng tránh gắng sức không cần thiết và giảm bớt khó thở.

•         Tăng cường sự tự tin, năng động và ít lệ thuộc người khác.

•         Sắp xếp nhà cửa hợp lý để tránh tiêu hao nhiều năng lượng trong sinh hoạt hàng ngày.

•         Sắp xếp lịch làm việc hợp lý, không vội vã, hấp tấp.

Tắm rửa: Ngồi khi tắm, dùng vòi sen thay cho gáo múc nước, thở oxy nếu đang LTOT.  Vệ sinh: Nhấn xả nước, vòi rửa, tay vịn khi đứng. Mặc quần áo: Tủ quần áo vừa tầm tay, không dùng giày cột dây. tránh các loại quần áo chật, bó sát, áo cài nút sau lưng…

Làm bếp: Sắp xếp các dụng cụ làm bếp vừa tầm tay, nên ngồi khi chuẩn bị món ăn. Chọn món ăn đơn giản, không cầu kỳ. Tránh bếp có nhiều khói.

Làm việc nhà: Nên dùng loại xe đẩy nhỏ có bánh xe để chất đồ đạc lên. Hạn chế đi cầu thang. Nếu phải đi, nên nghỉ ở khoảng giữa cầu thang và đặt ghế ở cuối để ngồi nghỉ.

Ra ngoài

Sắp xếp công việc sao cho không lúc nào phải vội vã, luôn khoan thai, vừa với sức mình. Nếu đi xe hơi, tránh vào xe ngay sau khi xe đỗ lâu ở ngoài nắng. Tránh đến những nơi đông người mà kém thoáng khi như trong tầng hầm, trong nhà kín vì không khí có nhiều CO2 và dễ bị lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp.

Luôn mang theo thuốc hít cắt cơn và các dụng cụ hỗ trợ nếu cần.

Nắm vững mười điều cần biết của người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ giúp sống chung với bệnh với CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG TỐT NHẤT.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Phone
Zalo
Messenger
Messenger
Phone
Zalo