CLB BỆNH NHÂN CHỦ NHẬT
TẦM SOÁT BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
THS.BS. TRẦN THỊ THÚY TƯỜNG
- BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH LÀ GÌ ?
I.1 Định nghĩa
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (tên Tiếng Anh là Chronic obstructive pulmonary disease – COPD) là một tình trạng bất thường phổi được đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp mãn tính (khó thở, ho, sản xuất đờm) do các bất thường của đường thở (viêm phế quản, viêm tiểu phế quản) và/hoặc tổn thương phế nang gây khí phế thủng làm tắc nghẽn luồng không khí kéo dài, thường tiến triển tăng dần theo thời gian.
COPD là bệnh phổ biến, có thể ngăn ngừa được và điều trị được, tuy nhiên việc chẩn đoán muộn, điều trị không đúng sẽ làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân và tăng nguy cơ tử vong. Đây cũng là bệnh gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới.
Hình 1: Hình ảnh phổi bình thường và phổi bệnh nhân COPD
I.2 Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
COPD là kết quả của các tương tác giữa gen và yếu tố môi trường xảy ra trong suốt cuộc đời của một con người và có thể làm tổn thương phổi hoặc làm thay đổi quá trình phát triển cũng như lão hóa bình thường của phổi.
Yếu tố nguy cơ chính dẫn đến COPD là hút thuốc lá và hít phải các hạt và khí độc hại từ ô nhiễm không khí trong gia đình và ngoài trời. Tại Việt Nam hiện tại vẫn còn khoảng 47% nam giới có hút thuốc lá nên đây là nguyên nhân chính, ngoài ra bệnh cũng gặp ở một số người thường xuyên tiếp xúc khói củi than, khói nhang.
Bệnh thường xuất hiện sau tuổi 40, với số điếu thuốc hút được tính theo gói năm là khoảng 20 gói. năm (Công thức tính gói thuốc theo năm: [số điếu hút trong 1 ngày/ 20]x số năm hút). Tuy nhiên phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc độc chất mà bệnh có thể xuất hiện ở tuổi sớm hơn.
Yếu tố nguy cơ di truyền có liên quan nhất (mặc dù hiếm về mặt dịch tễ học) đối với COPD được xác định cho đến nay là đột biến trong gen SERPINA1, dẫn đến thiếu hụt α1-antitrypsin.
- Biểu hiện triệu chứng của bệnh COPD
Bệnh nhân bị COPD thường có các triệu chứng như khó thở, thở khò khè, tức ngực, mệt mỏi, hạn chế hoạt động có thể đi kèm ho khan hoặc ho đờm. Bệnh nhân cũng thường trải qua các đợt cấp của bệnh liên quan đến sự tăng lên các triệu chứng hô hấp vốn có, góp phần suy giảm chức năng phổi nhanh hơn, cũng như tiên lượng sống còn về sau của bệnh.
Do bệnh thường xuất hiện ở người > 40 tuổi, nên nhiều bệnh đồng mắc kèm theo như tim mạch, đái thóa đường, tăng huyết áp, và nhiều bệnh lý chuyển hóa khác làm nặng thêm tình trạng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, góp phần đẩy bệnh nhân vào đợt cấp của bệnh.
- TẦM SOÁT COPD
Giai đoạn sớm bệnh nhân thường không có triệu chứng cụ thể, nhiều bệnh nhân cho rằng ho khạc đàm buổi sáng sớm vì mình hút thuốc lá chứ không phải dấu hiệu của bệnh nên phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán khi xuất hiện đợt cấp nặng và phải nhập viện điều trị.
Để tầm soát bệnh nhân cần được chụp phim phổi và đo hô hấp ký. Hô hấp ký là một phép đo quan trọng nhất trong chẩn đoán bệnh lý này, vừa góp phần chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi điều trị.
Ngoài ra đối với bệnh nhân quá lớn tuổi không thể hợp tác để đó, có thể dùng máy dao động xung ký. Phế thân ký là máy tốt hơn để tầm soát bệnh tuy nhiên do chi phí cao và cần đội nhân viên y tế chuyên khoa sâu hô hấp nên chỉ có một số nơi ít như phòng khám Ngọc Minh, và một vài bệnh viện trong thành phố có phép đo này.
Hình 2: Đo hô hấp ký tại phòng khám đa khoa Ngọc Minh
- Điều trị
COPD là bệnh mạn tính, điều trị suốt đời. Bệnh sẽ tiến triển tăng dần theo thời gian nếu không ngưng tiếp xúc với các chất độc hại gây bệnh như thuốc lá, khói, bụi… Điều trị bằng các loại thuốc hít, xịt, hay xông khí dung, thở máy tại nhà hay hỗ trợ oxy, tùy mức độ nặng và giai đoạn của bệnh.Tuân thủ điều trị làm chậm quá trình đến giai đoạn cuối, cải thiện chất lượng cuộc sống, và giảm tỉ lệ tử vong.