CLB BỆNH NHÂN CHỦ NHẬT
TẦM SOÁT VÀ PHÒNG NGỪA HEN
CKII. DƯƠNG MINH NGỌC
- Hen là gì?
Hen phế quản (HPQ) là một bệnh có đặc điểm là viêm mạn tính niêm mạc phế quản làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan toả cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản không cố định, thường có thể hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản.
- Căn nguyên của hen
Sự phát triển hen là do nhiều tác động và phụ thuộc vào sự tương tác giữa các gen nhạy cảm và các yếu tố môi trường. Nhiều hơn 100 gen nhạy cảm hen đã được báo cáo. Nhân tố môi trường là nguyên nhân của hen có thể bao gồm những yếu tố sau:
- Tiếp xúc với dị nguyên
- Chế độ ăn
- Yếu tố chu sinh
Các bằng chứng cho thấy có sự liên quan của các chất gây dị ứng trong gia đình (ví dụ: bụi, gián, vật nuôi) và các chất gây dị ứng môi trường khác đối với sự phát triển bệnh hen ở trẻ em và người lớn.
Hen cũng liên quan đến các yếu tố chu sinh, chẳng hạn như phụ nữ sinh con khi còn quá trẻ, dinh dưỡng kém khi mang thai, trẻ sinh non tháng, trẻ sinh nhẹ cân và thiếu sữa mẹ.
Mặt khác, sự tiếp xúc trong thời thơ ấu với vi khuẩn, vi rút, nội độc tố có thể tạo ra miễn dịch và được bảo vệ. Ô nhiễm không khí không hoàn toàn liên quan đến sự phát triển của bệnh, mặc dù nó có thể khởi phát đợt cấp. Vai trò của việc tiếp xúc với khói thuốc lá ở trẻ em còn gây tranh cãi, một số nghiên cứu tìm thấy tác động có tính chất góp phần gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và một số thì ngược lại.
- Yếu tố khởi phát hen
Các tác nhân phổ biến gây ra cơn hen bao gồm:
- Các dị nguyên trong môi trường và lao động (rất nhiều)
- Không khí lạnh, khô
- Nhiễm trùng
- Gắng sức
- Hít phải chất kích thích
- Cảm xúc
- Aspirin và các loại thuốc chống viêm không steroid khác (NSAID)
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ bao gồm: virus hô hấp hợp bào (RSV), rhinovirus, virus á cúm. Ở trẻ lớn và người lớn, nhiễm trùng đường hô hấp trên (đặc biệt với rhinovirus) và viêm phổi là các yếu tố gây khởi phát phổ biến.
Gắng sức có thể là một yếu tố khởi phát, đặc biệt là trong môi trường lạnh hoặc khô và không khí lạnh đơn thuần cũng có thể gây ra các triệu chứng của hen.
Các chất gây kích ứng theo đường hô hấp, như ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, nước hoa và các sản phẩm làm sạch (dung dịch vệ sinh nhà cửa) có thể làm khởi phát các triệu chứng hen.
Các yếu tố cảm xúc như lo lắng, tức giận, và sự kích động đôi khi gây khởi phát cơn hen cấp.
Aspirin là một yếu tố khởi phát cơn hen được ghi nhận tới 30% số bệnh nhân bị hen nặng và < 10% trong số tất cả các bệnh nhân bị hen.
Trào ngược dạ dày thực quản là một tác nhân thường gặp gây khởi phát cơn hen ở một số bệnh nhân hen, có thể thông qua phản ứng co thắt phế quản do axit của dịch dạ dày.
Viêm mũi dị ứng thường cùng tồn tại với bệnh hen; không rõ hai bệnh này là biểu hiện khác nhau của cùng một quá trình dị ứng hay liệu viêm mũi là một yếu tố kích hoạt hen độc lập hay không.
- Các triệu chứng và dấu hiệu của hen
Bệnh nhân hen nhẹ thường không có triệu chứng giữa đợt cấp. Bệnh nhân mắc bệnh nặng hơn và những người trong đợt cấp sẽ bị khó thở, nặng ngực, thở khò khè, ho.
Ho có thể là triệu chứng duy nhất ở một số bệnh nhân (hen thể ho).
Các triệu chứng có thể theo nhịp sinh học và nặng hơn khi ngủ, thường vào khoảng sáng sớm. Nhiều bệnh nhân bị bệnh hen nặng hơn sẽ bị thức giấc vào ban đêm (hen về đêm).
Các triệu chứng có thể quan sát được gồm thở khò khè, thở nhanh, nhịp tim nhanh và thở gắng sức (dùng nhiều cơ để thở).
Bệnh nhân có đợt cấp nặng và sắp xảy ra suy hô hấp thường có thay đổi ý thức, tím tái.
Các triệu chứng và dấu hiệu biến mất giữa các cơn hen, mặc dù các tiếng thở khò khè nhẹ có thể nghe được trong lúc nghỉ ngơi hoặc sau khi tập thể dục ở một số bệnh nhân không triệu chứng.
Tất cả các triệu chứng và dấu hiệu là không đặc hiệu, có thể hồi phục với điều trị kịp thời và thường xuất hiện khi tiếp xúc với một hoặc nhiều yếu tố khởi phát.
- Chẩn đoán hen:
Các bước tiến hành để chẩn đoán hen:
- Khai thác bệnh sử và tiền sử gia đình: thời điểm và cách khởi phát của các triệu chứng hô hấp, tiền sử mắc các bệnh dị ứng như viêm mũi, chàm cơ địa của người bệnh hoặc gia đình [xem: bảng câu hỏi tầm soát hen]
- Khám phát hiện tiếng ran rít, ran ngáy thì thở ra khi nghe phổi hoặc các dấu hiệu của bệnh lý mắc kèm như viêm mũi dị ứng hoặc polyp mũi.
- Đo hô hấp ký để ghi nhận giới hạn luồng khí thở ra dao động
- Các xét nghiệm khác:
- Test kích thích phế quản
- Thử nghiệm dị ứng
- Đo nồng độ oxit nitric trong khí thở ra (FeNO).
- Một số thể lâm sàng đặc biệt của hen
- Hen phế quản với ho là triệu chứng duy nhất. Đặc trưng bởi ho, xuất hiện thành cơn, thường xuất hiện khi thay đổi thời tiết, nửa đêm về sáng; đôi khi khó chẩn đoán, do bệnh nhân thường đến khám bệnh khi không có triệu chứng, kết quả đo chức năng thông khí phổi bình thường. Lưu ý loại trừ một số bệnh lý: hội chứng chảy dịch từ mũi sau, viêm xoang mạn, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn chức năng dây thanh, viêm phế quản tăng bạch cầu ái toan.
- Hen nghề nghiệp. Những bệnh nhân hen khởi phát ở tuổi trưởng thành cần phải hỏi các yếu tố liên quan tiếp xúc nghề nghiệp và phải hỏi bệnh hen có trở nên tốt hơn khi tránh xa công việc không?
- Phụ nữ mang thai. Tình trạng kiểm soát hen có thể thay đổi, khoảng 1/3 phụ nữ bị hen khi mang thai nhận thấy các triệu chứng giảm nhẹ đi, 1/3 lại thấy triệu chứng xấu đi (đôi khi đến mức nặng), và 1/3 còn lại thấy không thay đổi. Tuy nhiên, cần phải chú ý đến tầm quan trọng của điều trị hen vì bệnh hen không kiểm soát được mang lại nhiều nguy cơ cho mẹ và thai nhi hơn là tác dụng phụ do thuốc điều trị hen. Cơn hen cấp thường gây ra các biến cố không tốt cho cả mẹ và con trong thai kỳ và xảy ra khoảng 20% ở phụ nữ có thai và có đến 6% cần phải nhập viện. Do vậy, cần phải theo dõi và đánh giá kiểm soát hen định kỳ trong suốt thai kỳ.
- Ảnh hưởng của bệnh hen đối với thai kỳ cũng khác nhau, nhưng bệnh hen nặng, khó kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ:
- Nhẹ cân, sinh non, dị tật bẩm sinh
- Tiền sản giật, tăng huyết áp thai kì
- Bệnh và tử vong bà mẹ
- Hen ở người lớn tuổi. Có thể không được chẩn đoán đầy đủ do nhận thức kém, do định kiến khó thở là bình thường ở người già, do thiếu tập thể dục, hay giảm hoạt động, nhưng cũng có thể được chẩn đoán quá mức do nhầm lẫn với khó thở do suy tim trái hay bệnh tim do thiếu máu cục bộ.
- Ảnh hưởng của bệnh hen đối với thai kỳ cũng khác nhau, nhưng bệnh hen nặng, khó kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ:
- Điều trị hen
Mục tiêu điều trị là giảm thiểu sự suy giảm chức năng hô hấp và các nguy cơ, bao gồm ngăn ngừa các đợt cấp và giảm thiểu các triệu chứng mạn tính, bao gồm cả thức tỉnh về đêm; để giảm nhu cầu nhập viện hoặc cấp cứu; duy trì chức năng phổi và mức hoạt động cơ bản (bình thường) và để tránh tác dụng điều trị bất lợi. Do vậy, quản lý hen gồm: kiểm soát các yếu tố khởi phát, điều trị bằng thuốc, theo dõi, giáo dục bệnh nhân và điều trị các đợt cấp. Phạm vi bài này chỉ đề cập đến kiểm soát các yếu tố khởi phát.
Kiểm soát các yếu tố khởi phát:
Các yếu tố khởi phát ở một số bệnh nhân có thể được kiểm soát bằng cách sử dụng gối sợi tổng hợp, nệm không thấm nước và thường xuyên giặt khăn trải giường, gối và chăn trong nước nóng.
Lý tưởng nhất là phải bỏ đồ nội thất bọc, đồ chơi mềm, thảm, màn cửa, thú nuôi, ít nhất là trong phòng ngủ, để giảm bớt bụi bẩn và lông động vật.
Máy hút ẩm nên được sử dụng trong các tầng hầm và trong các phòng ẩm thấp, thông khí kém để giảm nấm mốc. Xử lý hơi nước trong nhà làm giảm bớt dị nguyên mạt nhà.
Việc dọn dẹp nhà cửa và tiêu diệt gián để loại bỏ sự tiếp xúc với gián có vai trò đặc biệt quan trọng. Mặc dù kiểm soát các yếu tố khởi phát là khó khăn hơn trong môi trường đô thị, những biện pháp này vẫn rất quan trọng.
Bộ lọc không khí hạt có hiệu suất cao (HEPA, ULPA) có thể làm giảm các triệu chứng nhưng không thấy tác dụng có lợi trên chức năng hô hấp và nhu cầu về thuốc.
Các bệnh nhân nhạy cảm với sulfite nên tránh đồ có chứa sulfite (ví dụ, một số loại rượu và salad trộn).
Các tác nhân không gây dị ứng, như khói thuốc lá, mùi mạnh, khói kích thích, nhiệt độ lạnh, độ ẩm cao, cũng nên tránh hoặc kiểm soát khi có thể.
Hạn chế tiếp xúc với người có nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus cũng rất quan trọng.
Tuy nhiên, hen do gắng sức không được phòng ngừa bằng tránh tập thể dục vì tập thể dục rất quan trọng. Thay vào đó, nên dùng thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn để dự phòng trước khi tập thể dục và khi cần thiết trong hoặc sau khi tập thể dục (bằng dụng cụ hít).
Bệnh nhân hen nhạy cảm với aspirin có thể sử dụng paracetamol, … khi cần thuốc giảm đau.
Không sử dụng các thuốc chẹn beta không chọn lọc (ví dụ, propranolol, timolol, carvedilol, nadolol, sotalol), bao gồm cả dạng tác dụng tại chỗ cho bệnh nhân hen, nhưng các thuốc tác dụng chọn lọc trên tim mạch (ví dụ như metoprolol, atenolol) có thể không có tác dụng phụ [cần tham khảo ý kiến chuyên gia].
Bảng câu hỏi tầm soát hen theo GINA
TT | Câu hỏi | Chọn câu trả lời | |
1 | Bạn có bị ho gây khó chịu lúc đêm khuya | Có | Không |
2 | Bạn có bị thức giấc vì cơn ho hay khó thở bất cứ khi nào | Có | Không |
3 | Bạn có bị ho, khò khè hay thở rít sau khi vận động thể lực (chạy, tập thể dục) | Có | Không |
4 | Bạn có vấn đề hô hấp vào mùa nhất định nào đó trong năm | Có | Không |
5 | Bạn có bị ho, khò khè hay nặng ngực khi hít phải chất kích thích trong không khí | Có | Không |
6 | Bạn có những đợt cảm lạnh “ nhập vào phổi” HOẶC phải điều trị hơn mười ngày mới khỏi | Có | Không |
7 | Khi có những triệu chứng hô hấp, bạn có cải thiện với điều trị hen thích hợp | Có | Không |
*** Nếu bạn trả lời “Có” từ 2 câu trở lên. Hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời ***