CLB BỆNH NHÂN CHỦ NHẬT BỆNH GOUT (THỐNG PHONG) NGUYÊN NHÂN, PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ

CLB BỆNH NHÂN CHỦ NHẬT

BỆNH GOUT (THỐNG PHONG)

NGUYÊN NHÂN, PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ

Phòng khám Cơ Xương Khớp – Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh

 

Từng được mệnh danh là bệnh của vua và là vua của các bệnh vì trước đây bệnh gout hay gặp ở giới vua chúa và cơn đau khi bệnh bùng phát thì rất dữ dội. Tuy nhiên hiện nay cuộc sống phát triển, bệnh không còn hiếm nữa và có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

 

  1. Gout là gì?

Bệnh Gout là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hoá gây tăng acid uric trong máu và hậu quả là sự lắng đọng của các tinh thể urat tại các mô trong cơ thể, dẫn đến một hoặc nhiều biểu hiện sau:

  • Viêm khớp Gout cấp hay mạn tính
  • Tophi trong khớp, hay mô mềm cạnh khớp
  • Bệnh thận do Gout có thể gây bệnh thận mạn: tổn thương thận mô kẽ hay suy thận
  • Sỏi urat đường niệu: biểu hiện cơn đau quặn thận, tiểu máu, bí tiểu

Bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung niên, nữ giới thường gặp ở độ tuổi mãn kinh.

  1. Nguyên nhân gây bệnh?

Nguyên nhân chính gây bệnh là do tình trạng acid uric trong máu cao dẫn đến tinh thể urate tích luỹ ở các mô gây bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân gây tăng acid uric máu. Người ta chia ra làm 3 nhóm sau:

  • Nguyên phát: đây là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh. Khoảng 40% bệnh nhân gout có tiền sử gia đình. Cơ chế di truyền tới nay vẫn chưa biết rõ.
  • Thứ phát: Do cơ thể tăng tổng hợp acid uric quá nhiều hoặc do bài tiết ra ngoài không hiệu quả
    • Tăng tổng hợp: có thể do ăn uống hay do mắc pahir một số bệnh
      • Liên quan tới ăn uống: rượu bia, tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng purines cao và protein động vật.
      • Một số bệnh gây tăng tổng hợp acid uric như: Vảy nến lan rộng, bệnh bạch cầu mạn, thiếu máu huyết tán mạn do hồng cầu.
    • Bài tiết không hiệu quả: có thể do một số loại thuốc hay một số bệnh mắc phải
      • Thuốc: lợi tiểu, chống thải ghép (cyclosporine, tacrolimus), aspirin, kháng lao (pyrazinamide, ethambutol), chống HIV (didanosine, ritonavir)
      • Bệnh lý thận: tăng áp động mạch thận, bệnh thận mạn
    • Bẩm sinh (<1%): do bất thường về gen.

 

  1. Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Từ nguyên nhân gây bệnh người ta mới tìm ra những đối tượng có nguy cơ bị bệnh gout sau đây:

  • Nhóm nguy cơ do di truyền, cơ địa:
    • Nam giới tuổi trung niên
    • Chủng tộc
    • Tiền căn gia đình: một số gene liên quan SL C2A9, ABCG2, SLC17A1/SLC17A3, GCKR
  • Nhóm bệnh nhân có bệnh nền đang sử dụng một trong các thuốc sau:
    • Thuốc lợi tiểu, một số thuốc hạ áp như thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể (trừ Losartan)
    • Thuốc tim mạch: Beta blockers
    • Thuốc kháng lao: Pyrazinamide
    • Thuốc chống HIV: Ritonavir
  • Nhóm những người có chế độ ăn uống những thực phẩm giàu purine như: Thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản, bia rượu, nước ngọt giàu fructose
  • Ngoài ra còn các yếu tố nguy cơ khác như: Tuổi cao, mãn kinh, bệnh thận mạn, thừa cân , béo phì, tăng huyết áp, suy tim, vảy nến, bệnh máu ác tính, tiếp xúc chì.

Nhờ hiểu biết và nắm được bản thân thuộc nhóm nguy cơ nào mà bệnh nhân cùng với bác sỹ sẽ kiểm soát được bệnh và phòng bệnh tốt hơn. Có những yếu tố nguy cơ mà chúng ta có thể thay đổi được như thay đổi chế độ ăn, kiểm soát một số bệnh nền và các loại thuốc uống vào, hay kiểm soát cân nặng, chế độ luyện tập.

 

  1. Biểu hiện của bệnh Gout như thế nào?

Biểu hiện mà bệnh nhân Gout nào phần lớn cũng từng trải qua và mô tả rất rõ đó là cơn đau do bùng phát cơn gout cấp. Cơn đau thường xảy ra đột ngột vào ban đêm sau một bữa ăn thịnh soạn. Đau rất dữ dội có bệnh nhân mô tả là có cơn gió thổi qua cũng khiến đau hơn. Cơn đau thường tăng dần và đạt giới hạn sau 12 – 24 tiếng. Đau kèm sưng nóng đỏ khớp, khớp thường gặp là khớp ngón chân cái và cổ chân, có khi ở đầu gối. Nếu không điều trị gì cơn đau và tình trạng viêm cũng sẽ thuyên giảm và hết hẳn sau khoảng vài ngày tới vài tuần.

Nếu bệnh nhân không được điều trị bài bản thì có thể tái phát nhiều đợt bùng phát như vậy khiến các khớp bị phá huỷ gây nên tình trạng đau khớp mạn tính khi vận động.

Khi bệnh không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng tới những cơ quan ngoài khớp như gây sỏi urat đường tiết niệu. Một số biểu hiện có thể gặp như cơn đau quặn thận, tiểu máu, nhiễm trùng tiết niệu. Trầm trọng hơn các tinh thể urat lắng động trong nhu mô thận gây nên tổn thương thận kẽ do Gout, có thể gây suy thận tiến triển dẫn đến suy thận nặng phải chạy thận nhân tạo.

Ngoài ra khi tinh thể urat lắng đọng trong mô liên kết, tích luỹ nhiều năm tạo nên các khổi nổi trên ra gọi là tophi. Các khối to phi này có thể nổi lên ở vành tai, mỏm khuỷu, cạnh khớp tổn thương, bàn chân, bàn tay, cổ tay, có thể trong các gân như gân gót chân. Các khối này sẽ gây biến dạng, giảm các giác và hạn chế vận động các khớp, có khi các khối này vỡ ra gây biến chứng nhiễm trùng máu rất nặng nề.

Trên đây là những biểu hiện hay gặp nhất của bệnh gout ở các giai đoạn. Còn có những biến chứng rất thường gặp khi bệnh nhân tự ý mua thuốc để điều trị như tình trạng viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hoá, suy thượng thận do thuốc hay loãng xương.

 

  1. Các giai đoạn của bệnh?

Có thể chia bệnh tăng acid uric máu và bệnh gout theo 4 giai đoạn như sau để thuận tiện cho điều trị và phòng ngừa.

  • Tăng acid uric máu không triệu chứng: có tình trạng tăng acid uric máu nhưng không biểu hiện bệnh
  • Gout bùng phát (cấp): các đợt bùng phát bệnh gout ban đầu thường liên quan đến một khớp, thường là khớp ngón chân cái hoặc đầu gối.
  • Gout xen kẽ: Khoảng thời gian giữa các đợt bùng phát bệnh gout còn được gọi là giai đoạn “giao thoa”. Đợt bùng phát thứ hai thường xảy ra trong vòng hai năm. Nếu không được điều trị, thời gian giữa các đợt cấp có thể rút ngắn và các đợt cấp có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn và ngày càng trở nên nghiêm trọng và kéo dài.
  • Gout mạn (Bệnh gout có hạt tophi): Những người bị bệnh gout tái phát hoặc tăng axit uric máu dai dẳng trong nhiều năm có thể phát triển bệnh gout có hạt tophi. Thuật ngữ này mô tả sự tích tụ một số lượng lớn tinh thể urate thành khối gọi là “tophi”. Tophi có thể gây xói mòn xương và cuối cùng là tổn thương và biến dạng khớp (được gọi là bệnh gout ăn mòn hoặc bệnh khớp do gout).

  1. Chẩn đoán bệnh dựa vào gì?

Qua thăm khám và xét nghiệm lẫn hình ảnh học, bác sỹ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên nhiều yếu tố. Sau đây là một vài xét nghiệm và hình ảnh học thường làm:

  • Soi tìm tinh thể urat trong dịch khớp qua kính hiển vi: Đây là tiêu chuẩn chính xác nhất để chẩn đoán Gout.
  • Xét nghiệm acid uric máu: Acid uric máu được gọi là tăng khi nồng độ trong máu trên 7,0 mg/l (tức trên 420 micromol/l) đối với nam và trên 6,0 mg/l (tức 360 micromol/l) đối với nữ. Trong đợt bùng phát, nhiều trường hợp acid uric máu sẽ bình thường.
  • Xét nghiệm chức năng gan thận: có ích trong theo dõi và điều trị bệnh.
  • Siêu âm khớp tổn thương
  • X quang khớp tổn thương
  • MRI khớp tổn thương

Tuỳ theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân mà bác sỹ sẽ cho làm những xét nghiệm và hình ảnh học cần thiết để chẩn đoán bệnh.

 

  1. Điều trị gout

Mục tiêu của điều trị gout tuỳ theo từng bệnh nhân cụ thể, nhằm:

  • Kiểm soát đau, viêm đợt cấp
  • Phòng ngừa tái phát đợt cấp
  • Phòng ngừa biến chứng.

Các thuốc bác sỹ có thể sẽ kê cho bạn:

  • Giảm đau, kháng viêm (NSAID, colchicin, steroid)
  • Hạ acid uric máu: không thuốc (kiểm soát sinh hoạt, ăn uống), thuốc (allopurinol, febuxostat)

Vậy bạn sẽ phải uống thuốc gì trong bao lâu sẽ tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh và khả năng tuân thủ điều trị của bạn.

 

  1. Điều trị phòng ngừa

Để phòng ngừa bệnh gout sẽ tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh, cơ địa bệnh nhân, bệnh nền đang mắc, công việc và hoàn cảnh xã hội. Nhưng điểm chung là phối hợp các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.

  • Thuốc: vai trò chủ yếu khi bệnh nhân ở giai đoạn cấp, xen kẽ và mạn tính.
  • Không thuốc: vai trò chủ yếu trong giai đoạn tăng acid uric không triệu chứng. Điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt:
    • Hạn chế các loại thực phẩm giàu purines: thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản, đồ uống có cồn, nước ngọt… (phụ lục đính kèm)
    • Uống đủ nước
    • Giảm cân nếu thừa cân
    • Chế độ tập luyện hợp lý

 

  1. Tóm tắt vài điểm quan trọng cần lưu ý:
  • Bệnh gout không chỉ ảnh hưởng lên khớp mà có thể biến chứng sỏi thận tiết niệu, có thể gây bệnh thận mạn.
  • Điều trị gout không phải chỉ là điều trị triệu chứng đau trong đợt cấp mà còn là điều trị phòng ngừa tái phát và phòng ngừa biến chứng. Cho nên bệnh nhân gout có thể phải uống thuốc lâu dài.
  • Biện pháp phòng ngừa bệnh không thuốc là hạn chế bia rượu và những thức ăn giàu purin.
  • Biện pháp phòng ngừa biến chứng tốt nhất là điều trị bài bản ở những cơ sở y tế uy tín.

 

 

 

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Phone
Zalo
Messenger
Messenger
Phone
Zalo