CLB BỆNH NHÂN CHỦ NHẬT
THOÁI HÓA KHỚP
Bs. CKII. TRẦN KHÁNH PHƯƠNG
Lão khoa & Cơ xương khớp
Giám đốc chuyên môn Phòng khám đa khoa Ngọc Minh cơ sở 2
1/ Thoái hóa khớp là gì?
– Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp có thể xảy ra tại bất kỳ khớp nào nhưng thường nhất là khớp chịu lực (khớp gối, khớp háng, khớp cổ chân, khớp vai). Bình thường, sụn ở hai đầu xương như một lớp đệm giúp khớp di chuyển dễ dàng và thoải mái. Khi khớp được sử dụng nhiều và theo quá trình lão hóa, lớp sụn bị mỏng đi, bào mòn, và thậm chí có thể bị bong ra làm xương cọ xát với nhau. Ngoài ra đầu xương có thể “mọc gai”. Khi đó khớp bị đau, sưng, cứng, và hạn chế vận động.
– Khớp nào cũng có thể bị thoái hóa: thường nhất là các khớp chịu lực phần thân dưới: khớp gối, háng, cổ chân, khớp cột sống, khớp bàn tay.
2/ Điều gì gây ra thoái hóa khớp?
Nguyên nhân thoái hóa khớp vẫn chưa được biết rõ. Đây là một quá trình lão hóa khớp theo thời gian, cộng thêm yếu tố di truyền (tiền sử gia đình có cha mẹ , anh chị em bị thoái hóa khớp sớm). Tuy nhiên, có nhiều yếu tố nguy cơ rõ ràng khiến thoái hóa khớp sớm và nặng hơn:
– Béo phì
– Đứng lâu, khiêng vác nặng thường xuyên, lao động nặng nhọc
– Hoạt động thể lực quá sức và kéo dài: đi bộ nhiều, đá bóng, tennis…
– Thói quen tư thế xấu: ngồi xổm (chồm hổm), ngồi xếp bằng, quỳ gối
– Chấn thương gây tổn thương sụn khớp
– Một số bệnh lý: đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, gout
3/ Triệu chứng của thoái hóa khớp:
– Giai đoạn sớm: có thể không có triệu chứng gì hoặc chỉ biểu hiện đau thoáng qua trong một số hoàn cảnh/hoạt động đặc biệt
– Giai đoạn sau: đau khớp khi hoạt động nhiều/trung bình, có thể có hiện tượng viêm khớp (sưng, nóng, đỏ tại khớp), dấu hiệu lạo xạo, lục cục khi co duỗi khớp, khô khớp dưới 30 phút vào buổi sáng hoặc sau thời gian bất động.
– Giai đoạn muộn: đau khớp khi hoạt động nhẹ hoặc cả khi nghỉ ngơi, biến dạng khớp, dần dần hạn chế rất nhiều các hoạt động của khớp.
4/ Điều trị thoái hóa khớp ra sao?
Hiện nay, thoái hóa khớp không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ giúp bệnh nhân duy trì việc vận động, đi lại, giảm đau, làm chậm quá trình thoái hóa, ít ảnh hưởng nhất đến chất lượng cuộc sống.
- Những việc có thể làm tại nhà để giúp giảm triệu chứng và làm chậm tiến trình thoái hóa khớp:
– Giảm cân nếu bạn đang thừa cân
– Tránh nâng vật nặng (khi cần di chuyển vật nặng, động tác ĐẨY được khuyên dùng hơn là động tác KÉO)
– Tránh sử dụng quá mức khớp khi khớp đang đau: đi bộ đường dài, lên xuống cầu thang, đứng lâu, chơi thể thao mạnh
– Tránh các tư thế xấu gây hủy hoại khớp: ngồi xổm, xếp bằng, quỳ gối, khom cúi lưng
– Nên tập luyện các môn thể thao không làm tăng chịu lực khớp như: bơi lội, xe đạp, dưỡng sinh… trong thời gian ngắn kết hợp với nghỉ ngơi
– Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ: gậy, xe đẩy, tay vịn
- Điều trị dùng thuốc: theo chỉ định của bác sĩ
– Thuốc kháng viêm, giảm đau: trong một thời gian nhất định, không dùng kéo dài, không dùng khi không có chỉ định của bác sĩ.
– Thuốc kích thích tái tạo sụn, thuốc tạo “chất nhờn”: các thuốc làm giảm triệu chứng tác dụng chậm, khá an toàn, thường cần dùng kéo dài.
– Tiêm tại khớp: tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chọn thuốc kháng viêm hoặc “chất nhờn nhân tạo” để tiêm trực tiếp vào khớp. Việc tiêm tại khớp được tiến hành đúng chỉ định và đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả rất cao, giúp bệnh nhân giảm đau nhanh và đi lại tốt hơn, đặc biệt với những bệnh nhân không muốn hoặc không thể phẫu thuật.
Việc tiêm chất nhờn vào khớp gối phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp và trong điều kiện vô khuẩn, giúp tạo một lớp đệm “giảm sốc” giữa hai đầu xương, giảm sự ma sát, đồng thời kích thích tái tạo sụn khớp tổn thương.
- Phẫu thuật: khi vào giai đoạn nặng, việc dùng thuốc uống và tiêm không còn hiệu quả
– Nội soi: lọc rửa khớp, lấy mảnh sụn vỡ, ghép sụn, cắt xương chỉnh trục…
– Thay khớp nhân tạo