CÂU LẠC BỘ BỆNH NHÂN HÀNG TUẦN CHỦ NHẬT 25/08/2024 CHỦ ĐỀ: BỆNH THẬN MẠN CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? NGUY CƠ, CHẨN ĐOÁN, BIẾN CHỨNG, ĐIỀU TRỊ VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

BỆNH THẬN MẠN CÓ ĐÁNG SỢ KHÔNG?

Bệnh thận mạn là bệnh lý diễn tiến âm thầm. Bệnh nhân thường không có biểu hiện lâm sàng cho đến khi bệnh diễn tiến đến giai đoạn cuối. Vậy bệnh thận mạn là gì? Có nguy hiểm không?

Làm sao để biết mình có bệnh thận mạn?

Bệnh thận mạn có nguy hiểm không?

Thận là một cơ quan nằm trong ổ bụng và giữ vai trò như  lưới lọc để đào thải độc chất ra ngoài và giữ lại các chất cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra thận còn tham gia vai trò điều hoà huyết áp cũng như tạo máu cho cơ thể. Khi bệnh nhân mắc bệnh thận mạn, có nghĩa là thận bị hư hỏng và không thể làm tốt chức năng của nó. Bệnh diễn tiến từ từ và sẽ làm cho người bệnh yếu dần do không đào thải được các độc chất, đồng thời sẽ mắc tăng huyết áp và thiếu máu. Trong giai đoạn đầu người bệnh có thể không có biểu hiện bất thường về sức khoẻ, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm có thể điều trị làm chậm diễn tiến của bệnh. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối, người bệnh sẽ mắc các rối loạn nghiêm trọng trong cơ thể và có thể tử vong, để duy trì cuộc sống sẽ cần đến các phương pháp điều trị thay thế thận (chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc, ghép thận).

Nguyên nhân gây nên bệnh thận mạn là gì?

Đái tháo đường và tăng huyết áp là 2 nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh thận mạn, ngoài ra còn do các nguyên nhân khác như bệnh lý cầu thận nguyên phát, bệnh ống thận mô kẽ, bệnh nang thận, bệnh mạch máu thận, bệnh thận do thuốc giảm đau, nhiễm trùng tiểu tái phát nhiều lần gây viêm thận – bể thận mạn và bệnh thận do tắc nghẽn.

Có phải ai cũng sẽ có thể mắc bệnh thận mạn?

Đúng như vậy, ai cũng có khả năng mắc bệnh thận mạn. Tuy vậy, các đối tượng sau đây thuộc về nguy cơ cao và cần phải thăm khám định kỳ để tầm soát sớm bệnh thận mạn:

  • Đái tháo đường
  • Tăng huyết áp
  • Tiền sử gia đình có bệnh thận
  • Đã từng bị suy thận cấp
  • Đã từng mắc các bất thường về thận: Sỏi thận, thận độc nhất, nang thận
  • Có tiểu protein, tiểu máu trước đây
  • Tiền sử dùng nhiều các thuốc độc thận
  • Sinh non, nhẹ cân
  • Béo phì
  • Lớn tuổi
  • Tiền sử bệnh lý tim mạch
  • Hút thuốc lá

Tôi nên làm gì để phát hiện sớm bệnh thận mạn nếu mình là người có nguy cơ cao?

Các biểu hiện của bệnh thận mạn rất nghèo nàn: Phù mặt, Tiểu ít, tiểu máu, tiểu đêm, mệt mỏi, xanh xao, huyết áp tăng cao… và thường không có biểu hiện khi bệnh ở giai đoạn sớm. Vì thế, cách tốt nhất để phát hiện bệnh thận mạn là khám sức khoẻ và thực hiện các xét nghiệm định kỳ. Các BS sẽ cho chỉ định xét nghiệm chức năng thân, xét nghiệm nước tiểu và siêu âm bụng để kiểm tra thận.

Xét nghiệm nước tiểu:

Thông thường BS sẽ xét nghiệm để xem có Protein hoặc máu trong nước tiểu không. Bình thường sẽ chỉ có 1 lượng protein rất nhỏ trong nước tiểu và hầu như không có máu.  Nếu có Protein hoặc máu trong nước tiểu các BS sẽ cần làm thêm nhiều khảo sát khác xem bạn có mắc bệnh thận mạn hay không và nguyên nhân của bệnh thận mạn là gì. Với những bệnh nhân mắc tăng huyết áp hoặc đái tháo đường, các Bs sẽ thực hiện xét nghiệm nước tiểu để tìm vi đạm niệu (microalbumin niệu). Đây là biểu hiện đầu tiên của biến chứng thận do tăng huyết áp hoặc đái tháo đường có thể phát hiện được và là thời gian vàng để điều trị. Nếu điều trị kịp thời ở giai đoạn này sẽ có thể giúp hồi phục, không còn tiểu vi đạm niệu. Khi đã tiểu đạm mức độ nhiều hơn sẽ khó khăn trong việc kiểm soát tiểu đạm. Về lâu dài sẽ dẫn đến tiểu đạm lượng nhiều, suy giảm chức năng thận và suy thận giai đoạn cuối.

Xét nghiệm máu:

 

Các BS sẽ cần xét nghiệm định lượng Creatinin trong máu. Đây là 1 chất bắt nguồn từ cơ và được bài tiết qua thận. Khi thận bị tổn thương sẽ làm creatinin tăng lên trong máu. Sau khi có kết quả creatinin các BS sẽ tính ra độ lọc cầu thận ước đoán để có thể đánh giá tốt hơn chức năng thận.

Siêu âm bụng:

Siêu âm bụng là xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh đơn giản, rẻ tiền và hầu như không gây hại cho cơ thể giúp quan sát được hình dạng và kích thước 2 thận, thấy được các bất thường như thận đa nang, thận độc nhất, thận hình móng ngựa, sỏi thận … sẽ giúp các BS đánh giá về nguy cơ mắc bệnh thận mạn của bệnh nhân

 

Các xét nghiệm máu, nước tiểu siêu âm nên được thực hiện định kỳ theo chỉ định của BS. Ngoài ra người bệnh cũng cần theo dõi huyết áp thường xuyên. Tăng huyết áp cũng là một trong những chỉ điểm gợi ý bệnh thận mạn.

Tôi nên làm gì để bảo vệ thận của mình?

  • Khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện bệnh thận mạn giai đoạn sớm
  • Kiểm soát đường huyết tốt nếu bạn có đái tháo đường
  • Kiểm soát huyết áp
  • Kiểm soát lipid máu
  • Duy trì lối sống lành mạnh: Tập thể dục thường xuyên, lựa chọn các thực phẩm phù hợp, hạn chế muối, giảm cân, hạn chế rượu bia.
  • Ngưng hút thuốc lá
  • Chỉ sử dụng các loại thuốc hoặc vitamin, thực phẩm chức năng theo chỉ định của BS, tránh tự ý sử dụng các loại thảo dược. Một số có thể gây hại đến thận.
  • Một số thuốc giảm đau có thể gây hại thận nếu sử dụng lâu dài, đó là các loại thuốc kháng viêm Non – Steroids (NSAIDs) ( aspirin, ibuprofen, and naproxen…), bạn cần báo với BS khi sử dụng các loại thuốc này và cần theo dõi định kỳ các xét nghiệm đánh giá chức năng thận nếu có các bệnh lý cần sử dụng thuốc NSAIDS thường xuyên.

Tóm lại, bệnh thận mạn là bệnh lý mạn tính nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Do bệnh diễn tiến âm thầm nên việc thăm khám và tầm soát định kỳ ở những bệnh nhân có nguy cơ cao là rất cần thiết. Nếu mắc bệnh thận mạn, việc điều trị sớm và theo định kỳ với bác sĩ, kết hợp việc dùng thuốc, thay đổi lối sống và dinh dưỡng sẽ giúp bệnh ổn định, làm chậm diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.kidney.org/sites/default/files/11-50-0160_patientguideCKD.pdf (National Kidney Foundation)
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-kidney-disease/symptoms-causes/syc-20354521

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Phone
Zalo
Messenger
Messenger
Phone
Zalo