Động mạch chủ từ tim chạy xuyên qua trung tâm lồng ngực và khoang bụng, là động mạch lớn nhất mang máu đi nuôi các phần của cơ thể chúng ta. Phình động mạch chủ là chỗ phình, dãn lớn bất thường ở thành động mạch, có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào của động mạch. Có 2 loại là phình động mạch chủ bụng và phình động mạch chủ ngực. Khi bị phình, lớp nội mạc của thành động mạch có nguy cơ vỡ rách. Hiện tượng này gọi là bóc tách động mạch chủ có khi gây vỡ luôn động mạch chủ. Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể gây đột tử do xuất huyết nội, huyết khối thành di chuyển gây thuyên tắc động mạch hệ thống, đột quỵ.
- Phình động mạch chủ thường diễn tiến chậm. Ban đầu thường không có triệu chứng gì nên chẩn đoán hay bị bỏ sót. Vài trường hợp, phình nhỏ và cứ tồn tại như vậy, không bị bóc tách hay vỡ. Tuy nhiên, đa số sẽ lớn dần và có thể diễn tiến nhanh.
- Nếu là phình động mạch chủ bụng thì có triệu chứng như đau sâu, đau kéo dài, âm ỉ vùng giữa hoặc lệch một bên bụng; đau lưng; có cảm giác mạch đập ở bụng. Khi phình bóc tách, bệnh nhân đau dữ dội, kéo dài vùng bụng hoặc lưng, cảm giác như đau xé, mạch nhanh, huyết áp tụt.
- Nếu là phình động mạch chủ ngực tiến triển, bệnh nhân có thể đau lưng, ho, giọng nói bị yếu hoặc khan, cảm giác như khó thở, nặng ngực hoặc đau ngực. Khi phình bị vỡ hoặc bóc tách, bịnh nhân có thể có triệu chứng đau đột ngột như dao đâm ở phần trên của lưng và lan xuống dưới; đau ngực, hàm, cổ hoặc cánh tay; khó thở; hụt hơi; khó nuốt; tụt huyết áp; mất tỉnh táo.
NHỮNG YẾU TỐ NGUY CƠ PHÌNH ĐỘNG MẠCH CHỦ:
- Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ mạnh nhất của phình động mạch chủ vì thuốc lá làm yếu thành mạch. Hút càng lâu năm thì nguy cơ càng cao. Khuyến cáo nam giới từ 65 đến 75 tuổi hiện đang hút hoặc đã từng hút nên tầm soát định kỳ phình động mạch chủ.
- Tuổi: lứa tuổi thường gặp nhất là từ 65 tuổi trở lên.
- Nam giới thường bị hơn nữ giới.
- Tăng huyết áp phối hợp với tăng cholesterol máu làm tiến triển xơ vữa động mạch, là yếu tố nguy cơ thường gặp ở người lớn tuổi.
- Tiền sử gia đình có cha mẹ, con hoặc anh chị em bị phình động mạch chủ thì bản thân có thể bị phình động mạch chủ sớm hơn. Nên tầm soát gia đình cho những trường hợp này.
- Bất thường di truyền: thường gây phình động mạch chủ ở người trẻ, thí dụ hội chứng Marfan, Ehlers-Danlos, Loeys-Dietz và hội chứng Turner.
- Viêm mạch máu trong bệnh Takayasu, bệnh viêm mạch tế bào khổng lồ.
- Bất thường van: van động mạch chủ đóng thấp về phía thất trái, van động mạch chủ 2 mảnh.
- Tình trạng nhiễm trùng không được điều trị như nhiễm khuẩn salmonella, nhiễm giang mai.
- Đôi khi phình động mạch chủ ngực sau chấn thương như té hoặc tai nạn xe cộ.
CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH:
- Chẩn đoán hình ảnh giúp tầm soát sớm, chẩn đoán xác định và theo dõi phình động mạch chủ.
- Siêu âm tim qua thành ngực hoặc qua thực quản nhằm phát hiện bất thường van tim, phình động mạch ở một số vị trí nhất định… Siêu âm bụng có thể thấy phình động mạch chủ bụng.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) động mạch chủ có thuốc cản quang giúp xác định kích thước, hình dạng và vị trí của phình động mạch.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp chẩn đoán xác định vị trí và kích thước phình động mạch. Phương pháp này là 1 lựa chọn cho những bệnh nhân phải khảo sát phình động mạch thường xuyên.
- Tầm soát ban đầu thường bằng siêu âm. Nếu nghi ngờ hoặc chắc chắn có phình động mạch chủ hoặc kích thước động mạch chủ lớn hơn bình thường, thì các test chẩn đoán hình ảnh khác được tiến hành mỗi 6 tháng hoặc mỗi 12 tháng để chắc chắn là phình không lớn thêm hoặc tiến triển như thế nào để có điều trị thích hợp.
ĐIỀU TRỊ:
Mục đích điều trị là ngăn không để phình tiến triển thêm và vỡ bóc tách, tùy vào kích thước và mức độ diễn tiến nhanh của bệnh. Nếu phình nhỏ, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị nội khoa (thuốc ức chế beta, thuốc ức chế thụ thể angiotensin II, statin) và theo dõi định kỳ bằng các test chẩn đoán hình ảnh. Thường khi đã xác định chẩn đoán, ít nhất 6 tháng bệnh nhân nên thực hiện 1 siêu âm (tim, bụng) hoặc 1 CT hoặc 1 MRA (chụp cộng hưởng từ mạch máu), sau đó thời gian theo dõi định kỳ lâu hay mau tùy vào kích thước và diễn tiến nhanh chậm của túi phình để can thiệp kịp thời. Có nhiều phương thức điều trị ngoại khoa hoặc can thiệp mạch máu. Nói chung, có chỉ định ngoại khoa khi đường kính phình động mạch chủ ngực từ 5 – 6cm trở lên; phình động mạch chủ bụng từ 4,8 – 5,6cm trở lên; hoặc khi phình tiến triển nhanh, phức tạp.
PHÒNG NGỪA:
- Không hút hoặc dùng các chế phẩm từ thuốc lá.
- Chế độ ăn lành mạnh: hạn chế muối, chất béo no, tăng trái cây, hạt, thịt gà,cá, rau.
- Kiểm soát tốt huyết áp và cholesterol máu.
- Tăng cường hoạt động thể chất.
Tác giả: TS. Lê Thị Thu Thuỷ