LOÃNG XƯƠNG NGÀY CÀNG PHỔ BIẾN VÀ GIA TĂNG, LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÒNG NGỪA?

Loãng xương là một trong những bệnh lý về xương phổ biến nhất, thường gặp ở người cao tuổi và phụ nữ sau mãn kinh. Theo BS.CK1 Lê Thị Mai – Chuyên khoa Nội Cơ – Xương – Khớp, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, phòng ngừa loãng xương và gãy xương do loãng xương không quá khó khăn, phần lớn phụ thuộc vào thói quen sinh hoạt, rèn luyện và chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Ai có nguy cơ loãng xương?

BS.CK1 Lê Thị Mai – Chuyên khoa Nội Cơ – Xương – Khớp, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cho biết, loãng xương là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh lý về xương. Loãng xương có đặc trưng giảm mật độ xương, tổn thương vi cấu trúc xương và giảm độ chắc của xương, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương.

Loãng xương và gãy xương ngày càng phổ biến, đặc biệt gia tăng theo độ tuổi. Tỷ lệ loãng xương ở người lớn tuổi chiếm đến 21,7%. Bệnh có nguy cơ tàn phế cao, giảm chất lượng sống và tuổi thọ. Thống kê tại Mỹ cho thấy, điều trị loãng xương và những biến cố do loãng xương tiêu tốn đến 20 tỷ đô la mỗi năm. Điều này hình thành một gánh nặng bệnh tật rất lớn.

Nguyên nhân loãng xương được phân thành 2 nhóm: nguyên phát và thứ phát. Loãng xương nguyên phát chiếm đến 80%, thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi. 20% loãng xương thứ phát xuất hiện do bệnh lý và một số loại thuốc.

10 nhóm yếu tố nguy cơ gây loãng xương lại được chia thành yếu tố nguy cơ không thể thay đổi và yếu tố nguy cơ có thể thay đổi.

Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi gồm:

– Chủng tộc: Phụ nữ da trắng và da vàng thường bị loãng xương hơn phụ nữ da đen;

– Giới tính: Tỷ lệ loãng xương ở nam và nữ là 1:4;

– Tuổi cao;

– Yếu tố di truyền và gia đình;

– Mãn kinh gây thiếu hụt estrogen.

Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi là những yếu tố có thể can thiệp được, từ đó giảm nguy cơ loãng xương, gồm:

– Dinh dưỡng: Thiếu hụt canxi và vitamin D;

– Chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn 18;

– Lối sống không lành mạnh: ít vận động, hút thuốc lá, lạm dụng rượu…;

– Bệnh lý mạn tính: cường giáp, cường cận giáp đái tháo đường, suy thận, xơ gan, ung thư, viêm khớp mạn tính, HIV;

– Thuốc: corticoid, heparin…

Loãng xương diễn tiến âm thầm nhưng cực kỳ nguy hiểm

Ảnh Cột sống thay đổi theo thời gian sau khi mãn kinh ở phụ nữ

 

BS.CK1 Lê Thị Mai cho biết: “Loãng xương là một căn bệnh diễn tiến âm thầm, không có dấu hiệu đau hay nhức mỏi nhưng nếu không điều trị sẽ dẫn đến biến chứng gãy xương”.

Vị trí gãy xương do loãng xương thường gặp và nặng nề nhất là gãy cổ xương đùi. Gãy cổ xương đùi thường được ví như tai biến mạch máu não, các bệnh lý nội thần kinh hoặc nhồi máu cơ tim vì khiến cho bệnh nhân phải phụ thuộc vào người khác trong những sinh hoạt đơn giản thường ngày, tạo gánh nặng về kinh tế – xã hội cũng như tăng nguy cơ biến chứng một số bệnh tim mạch, thần kinh khác.

Ngoài ra, bệnh loãng xương thứ phát còn là biểu hiện của một số bệnh bệnh lý như suy thận, đái tháo đường…

BS.CK1 Lê Thị Mai, tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương là đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA. Các thăm dò thường quy, đặc hiệu khác có thể sử dụng là xét nghiệm huyết học, sinh hóa cơ bản; chụp X-quang cột sống ngực, thắt lưng hay các vị trí nghi ngờ loãng xương.

Hiện nay còn có một số xét nghiệm thăm dò khác nhằm xác định nguyên nhân gây loãng xương thứ phát, chẩn đoán phân biệt và đánh giá bệnh lý phối hợp.

Bác sĩ sẽ là người đưa ra quyết định khi nào cần điều trị loãng xương. Chỉ định được đưa ra dựa trên kết quả đánh giá mật độ xương và đánh giá nguy cơ gãy xương trong vòng 10 năm theo mô hình FRAX.

Khi người bệnh có mật độ xương từ -2,5 trở xuống hoặc Tscore từ -1 đến -2,5 và dự đoán nguy cơ gãy xương trong 10 năm từ 3% cho gãy xương vùng hông hoặc trên 20% cho gãy xương bất kỳ thì sẽ có chỉ định điều trị loãng xương.

Nếu bệnh nhân có tình trạng gãy xương sau những chấn thương nhẹ, bác sĩ cũng sẽ xem xét điều trị loãng xương, bất kể kết quả đo mật độ xương.

BS.CK1 Lê Thị Mai khẳng định: “Khi đã có loãng xương, các biện pháp điều trị không thể giúp tình trạng xương trở về như ban đầu”. Do đó, đối với những bệnh nhân đã có tình trạng loãng xương, việc điều trị đáp ứng 3 mục tiêu chính: Giảm nguy cơ gãy xương và tái gãy xương, giảm mất xương và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến loãng xương.

Các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị loãng xương là thuốc chống hủy xương biphotsphonate (thời gian điều trị 3-5 năm) và calcitonin điều trị gãy xương mới do loãng xương.

Một phương pháp điều trị không kém phần quan trọng là bổ sung canxi và vitamin D đầy đủ theo độ tuổi.

Các biện pháp phòng ngừa loãng xương và gãy xương do loãng xương

Biện pháp phòng ngừa loãng xương và gãy xương do loãng xương được khuyến cáo nhiều nhất là bổ sung canxi và vitamin D3 đủ theo độ tuổi. Canxi và vitamin D cần được bổ sung khi thai nhi còn nằm trong bụng mẹ cho đến suốt đời.

Thực phẩm là nguồn canxi quan trọng nhất, đồng thời cũng an toàn và dễ hấp thu nhất đối với cơ thể. Chế độ ăn thiếu canxi có thể bổ sung bằng dược phẩm. Nguồn vitamin D3 quan trọng nhất đến từ ánh nắng mặt trời, kế đến là thực phẩm và dược phẩm.

Ảnh bảng nhu cầu canxi theo độ tuổi

Từ 1 tuổi cho đến 65 tuổi, nhu cầu canxi của cơ thể dao động trong khoảng 800-1.200mg/ngày. Đối với những bệnh nhân loãng xương, nhu cầu canxi có thể tăng lên 1.200-1.500mg/ngày.

Những thực phẩm có hàm lượng canxi cao nhất là sữa, chế phẩm từ sữa. Sữa đậu nành, sữa yến mạch, sữa hạnh nhân cũng chứa nhiều canxi, tương đương với sữa tươi tách béo. Ngoài ra, các loại đậu nấu chín, rau lá xanh đậm, hạt hạnh nhân và cam cũng là nguồn cung cấp canxi tốt.

Dầu gan cá tuyết, cá hồi, cá thu, gan, thịt bò, lòng đỏ trứng chính là nguồn vitamin D3 dồi dào để bổ sung cho cơ thể.

Để phòng ngừa loãng xương và gãy xương do loãng xương, chúng ta cần duy trì hoạt động thể lực thường xuyên và có một lối sống lành mạnh: không thuốc lá, rượu bia, hạn chế muối trong chế độ ăn.

Việc tuân thủ điều trị loãng xương theo chỉ định của bác sĩ và phòng tránh té ngã cũng không kém phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe xương khớp.

.

 

5/5 - (1 vote)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Phone
Zalo
Messenger
Messenger
Phone
Zalo