Phế cầu là vi khuẩn gây bệnh nhiễm khuẩn hô hấp với tần suất cao nhất trong cộng đồng . Bài sau đây sẽ đề cập tới 4 bệnh nguy hiểm do phế cầu gây ra
Bốn bệnh nguy hiểm do phế cầu khuẩn
Vi khuẩn phế cầu gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa và nhiễm khuẩn huyết, khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm.
Phế cầu khuẩn cư trú chủ yếu ở đường hô hấp trên như vùng mũi, họng của người khỏe mạnh và thường không gây bệnh. Khi hệ miễn dịch suy yếu, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, phế cầu khuẩn sẽ dễ dàng tấn công vào nhiều nơi trong cơ thể để gây bệnh.
“Phế cầu khuẩn gây ra gánh nặng bệnh tật rất lớn”. Trong 4 bệnh nguy hiểm phổ biến, viêm tai giữa có thể gây ảnh hưởng thính lực nặng nề, còn viêm phổi, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết đều có thể gây tử vong. Phế cầu khuẩn ngày càng gia tăng mức độ kháng kháng sinh, gây khó khăn, tốn kém, trong điều trị và tạo áp lực, gánh nặng lên ngành y tế cũng như toàn xã hội. Điều trị các bệnh do phế cầu khuẩn hiện nay khá khó khăn , phải dùng kháng sinh PNC G liều cao , kháng sinh phổ rộng . Nhiều loại kháng sinh đã bị kháng .
Viêm phổi
Đến nay viêm phổi vẫn là mối đe doạ lớn trên toàn cầu, khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm. Trong đó, phế cầu khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi.
Bệnh thường có biểu hiện như ho nhiều, ớn lạnh, sốt cao, vã mồ hôi, đau ngực, đau cơ, mệt mỏi, thở nhanh… Viêm phổi tiến triển nhanh, dễ biến chứng nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Triệu chứng ban đầu thường dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên nhiều người xem nhẹ, từ đó càng có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong.
Tại Việt Nam, hàng năm viêm phổi cướp đi mạng sống của khoảng 4.000 trẻ em trong tổng số khoảng 2,9 triệu ca mắc. Viêm phổi do vi khuẩn phế cầu có tỷ lệ tử vong trung bình là 10-20%, thậm chí trên 50% ở trẻ nhỏ
Viêm màng não
Phế cầu khuẩn xâm nhập vào não sẽ gây viêm màng não với tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm điều trị kịp thời. Trong 4 bệnh nguy hiểm do phế cầu khuẩn, viêm màng não là bệnh khó phát hiện nhất do triệu chứng không rõ ràng. Bệnh là tình trạng nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, một số ca biến chứng rất nhanh khiến bác sĩ không trở tay kịp.
Bệnh gây nên nhiều lo ngại ở trẻ nhỏ với phần lớn các trường hợp thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Một số triệu chứng của bệnh là sốt cao, đau đầu, nôn ói, cứng cổ. Bên cạnh đó, trẻ có thể co giật, yếu liệt khu trú, rối loạn tri giác như kích thích, li bì, hôn mê…
Tại các bệnh viện nhi đồng, hầu như năm nào cũng có những trường hợp trẻ viêm màng não để lại di chứng như điếc, mù, động kinh, chậm phát triển thần kinh vận động, tổn thương não vĩnh viễn…, thời gian nằm viện kéo dài vài tuần đến vài tháng. Trẻ mắc bệnh nhập viện rải rác quanh năm, tỷ lệ di chứng cao trên 30% nếu đến muộn.
Nhiễm khuẩn máu
Bệnh xảy ra khi phế cầu xâm nhập vào máu gây sốc nhiễm trùng. Trẻ nhỏ thường có nguy cơ cao do hệ miễn dịch non yếu. Tỷ lệ tử vong của bệnh khoảng 20% số ca mắc.
Các triệu chứng của bệnh thường gồm sốt cao đột ngột, đau đầu, đau nhức cơ kèm ho, rối loạn đông máu, lạnh run…
Viêm tai giữa
Đây là bệnh khá thường gặp ở trẻ nhỏ. Vi khuẩn phế cầu di chuyển lên tai thông qua vòi nhĩ, gây viêm với các triệu chứng thường gặp như đau tai, màng nhĩ sưng nề và đỏ, đọng dịch và mủ, giảm thính lực, khó ngủ, sốt, bứt rứt…
Theo thống kê, khoảng 80% trẻ dưới ba tuổi có ít nhất một lần mắc bệnh viêm tai giữa. Hơn 1/3 trong số đó bị nhiễm trùng lặp lại trong thời gian dài.
Bệnh dễ lây lan từ trẻ này sang trẻ khác trong trường học, khu vui chơi, nơi đông người… Nếu không điều trị kịp thời, viêm tai giữa có thể diễn tiến thành mạn tính, tái phát thường xuyên. Trẻ nhỏ ảnh hưởng thính lực do viêm tai giữa có thể dẫn đến chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn hành vi…
Cách phòng bệnh do khuẩn phế cầu
Bệnh do phế cầu khuẩn thường lây lan qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mang vi khuẩn qua hành động hắt hơi, ho, dùng chung đồ cá nhân…
Tăng cường sức đề kháng để ngăn ngừa sự xâm nhập gây bệnh của phế cầu bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực phù hợp, giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên sát khuẩn tay, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, khử khuẩn môi trường sống… Vệ sinh đường hô hấp trên, vệ sinh răng miệng, mũi họng, điều trị viêm xoang… để tránh trường hợp vi khuẩn đi từ đường hô hấp trên xuống dưới phổi.
Đặc biệt, vaccine ngừa phế cầu có thể phòng ngừa các bệnh nguy hiểm gây ra do vi khuẩn phế cầu cho cả trẻ em và người lớn. Ngoài ra, phế cầu thường xảy ra sau khi bị cúm nên chủng ngừa cúm hàng năm cũng góp phần hạn chế tình trạng nhiễm trùng do phế cầu.