1.Viêm phổi do phế cầu nguy hiểm thế nào?
Viêm phổi là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của hàng triệu trẻ nhỏ lẫn người lớn tuổi trên thế giới mỗi năm, trong đó phế cầu khuẩn là nguyên nhân hàng đầu, song có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine.
Viêm phổi phế cầu do phế cầu khuẩn, tên khoa học là Streptococcus pneumoniae gây nên, là loại viêm phổi thường gặp nhất ở cộng đồng. Bệnh có thể xảy ra trên mọi lứa tuổi, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em, người lớn tuổi, có bệnh nền đi kèm như tiểu đường, xơ gan, người nghiện rượu, người suy giảm miễn dịch mắc phải… Đây là những nhóm có nguy cơ tiến triển nặng, với tỷ lệ khoảng 20-30%. Trong đó, tỷ lệ tử vong ở người từ 65 tuổi có thể lên đến 60-70%. Càng nhiều bệnh đồng mắc nguy cơ tử vong càng cao.
Trên thế giới, trung bình cứ 20 giây, bệnh viêm phổi giết chết một trẻ. Tại Việt Nam, hàng năm, viêm phổi cướp đi mạng sống của khoảng 4.000 trẻ trong tổng số 2,9 triệu ca mắc.
“Phế cầu khuẩn hiện cũng gây tình trạng kháng thuốc kháng sinh, gây khó khăn và tốn kém trong điều trị, là mối đe doạ cho sức khoẻ cộng đồng”. Ở trẻ em, những năm gần đây nhờ được chú trọng tiêm ngừa phế cầu nên giảm tỷ lệ mắc bệnh hoặc bệnh nặng so với trước, ngoại trừ một số trẻ không chủng ngừa, trẻ bị suy giảm miễm dịch hoặc có bệnh nền làm miễn dịch kém…
Bình thường, vi khuẩn phế cầu cư trú ở đường hô hấp trên, không gây bệnh. Khi sức đề kháng giảm hoặc sau những điều kiện thuận lợi như niêm mạc bị tổn thương do viêm đường hô hấp trên, nhiễm cúm, nhiễm virus, viêm xoang… thì phế cầu khuẩn dễ dàng xâm nhập, tấn công từ đường hô hấp trên xuống phổi. Từ đó, bệnh nhân dễ viêm phổi với các biểu hiện như ho nhiều, sốt cao, ớn lạnh, đau ngực, đau cơ, thở nhanh, vã mồ hôi… có thể diễn tiến suy hô hấp, phải thở máy. Nhiều trường hợp điều trị khỏi, giữ được tính mạng nhưng vẫn để lại những di chứng nặng nề.
Vi Khuẩn này lan truyền nhiều nhất qua đường không khí khi ho, hắt hơi, thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn. Ngoài viêm phổi, phế cầu còn có thể nhiễm xâm lấn ở những cơ quan khác, gây viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng… Phế cầu xâm lấn khiến bệnh trầm trọng, nặng nề, tỷ lệ tử vong gấp đôi so với những trường hợp không xâm lấn.
Để phòng bệnh, ngăn ngừa sự xâm nhập của phế cầu bằng cách như vệ sinh sạch sẽ đường hô hấp trên, vệ sinh răng miệng, mũi họng. Điều trị viêm xoang hiệu quả để tránh trường hợp vi khuẩn đi từ đường hô hấp trên xuống dưới phổi. Tăng cường thể dục thể thao để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Phế cầu thường xảy ra sau khi bị cúm nên chủng ngừa cúm hàng năm cũng góp phần hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn do phế cầu, bảo vệ lá phổi. Đặc biệt, nên chủng ngừa phế cầu, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc làm bệnh nhẹ hơn so với không tiêm chủng, nhất là những người nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh nền…
Hình ảnh X quang và CT ngực của viêm phổi do phế cầu
Người khỏi Covid-19 có nên tiêm vaccine phòng phế cầu khuẩn?
Người khỏi Covid-19 có thể gặp một số di chứng khiến phổi dễ bị tổn thương hơn, việc tiêm vaccine phòng phế cầu khuẩn có thể góp phần tăng cường bảo vệ lá phổi.
Sau khi khỏi Covid-19, nhiều người chưa thể hồi phục hoàn toàn ngay mà đối diện một số di chứng, đặc biệt là tổn thương phổi như như giãn phế quản, xơ phổi… Khi đó, sức đề kháng của phổi với bệnh tật bị giảm rất nhiều, tạo điều kiện cho một số loại siêu vi như cúm, phế cầu khuẩn xâm nhập, tấn công hệ hô hấp.
“Nên chủng ngừa cúm, phế cầu cho người sau nhiễm covid, đặc biệt là người bị Covid để di chứng phổi, giúp bảo vệ phổi khoẻ mạnh, đủ khả năng chống chọi bệnh tật”.
Tiêm ngừa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm tình trạng nhập viện, tránh nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng, giảm sử dụng kháng sinh và giảm đề kháng kháng sinh.
Trong đó, phế cầu khuẩn là tác nhân gây nên nhiều bệnh nguy hiểm, đe đoạ tính mạng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết… Vi khuẩn phế cầu thường trú ngụ ở vùng mũi họng, không gây bệnh. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch suy yếu, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi, bệnh nền… khuẩn này sẽ tấn công cơ thể gây bệnh.
Một số nghiên cứu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ ghi nhận tiêm chủng sớm vaccine phế cầu ở giai đoạn hậu Covid góp phần quan trọng bảo vệ lá phổi, đường hô hấp, cải thiện các biến chứng nặng của Covid.
Theo các nghiên cứu, phế cầu khuẩn là tác nhân thường được phát hiện trong tình trạng đồng nhiễm, bội nhiễm ở nhiều bệnh nhân Covid. Nếu một người mắc cùng lúc Covid và phế cầu, khả năng tử vong tăng lên 20 lần so với người bình thường. Những người bị phế cầu xâm lấn từ 3-27 ngày sau đó bị nhiễm Covid-19, khả năng tử vong tăng lên gấp ba lần. Trong khi đó, vi khuẩn phế cầu ngày càng kháng kháng sinh khiến việc điều trị vô cùng khó khăn, tốn kém.
Do đó, ngoài ngăn chặn các bệnh do phế cầu, tiêm phòng phế cầu giúp giảm nguy cơ mắc cũng như các biến chứng nặng từ Covid-19. Bất kỳ ai cũng cần được tiêm vaccine phế cầu, đặc biệt là trẻ nhỏ, người từ 65 tuổi, người mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch như ung thư, đái tháo đường và các bệnh về gan, phổi, thận, tim mạch… Nhóm thường xuyên tiếp xúc với người dễ tổn thương như nhân viên y tế, thành viên gia đình chăm sóc người cao tuổi… cũng cần tiêm phòng vaccine phế cầu.