Trào ngược dạ dày có liên quan đến stress, lo âu?
Trào ngược dạ dày thực quản do nhiều nguyên nhân. Theo TS.BS Trần Bảo Nghi – Giám đốc chuyên môn Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, các thói quen thường ngày như dùng nhiều chất kích thích, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ít vận động, nằm ngay sau khi ăn, thường xuyên căng thẳng cũng thúc đẩy trào ngược dạ dày thực quản khởi phát hoặc gia tăng.
1. Những lý do khiến trào ngược dạ dày thực quản tái phát mãi không dứt
Thưa BS, thói quen nào có thể dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày thường xuyên tái phát?
TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Gần đây chúng ta thường nghe nhắc nhiều đến trào ngược dạ dày thực quản, nhiều người cũng thắc mắc về việc vì sao bệnh thường tái lại sau khi đã điều trị.
Để phòng ngừa trào ngược dạ dày tái phát, cần chú ý những vấn đề:
– Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường có tâm lý chủ quan. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh khá nhẹ nhàng, đôi lúc chỉ là ngứa họng, ợ chua, ợ hơi, ợ nóng nên bệnh nhân không đi khám, điều trị.
Trong khi đó, việc điều trị từ giai đoạn đầu sẽ dễ dàng hơn cho cả bác sĩ và bệnh nhân. Tình trạng bệnh kéo dài có thể phải sử dụng thuốc mạnh, lâu dài.
– Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản thường không đặc hiệu, chẳng hạn ho (dễ nhầm lẫn với bệnh phổi, viêm họng, bệnh tai mũi họng…), khó thở, đau tức ngực (dễ nhầm lẫn với bệnh tim mạch). Người bệnh mất thời gian điều trị ở các chuyên khoa khác rồi mới quay về chuyên khoa tiêu hóa.
– Thói quen sinh hoạt và ăn uống của bệnh nhân sẽ gây ra tình trạng trào ngược dạ dày thực quản tái lại nhiều lần. Khi thăm khám lâm sàng, chúng tôi luôn dặn dò bệnh nhân về cách ăn uống như không ăn quá no, ăn trước giờ ngủ tối thiểu 3 tiếng, không nằm ngay sau khi ăn, không ăn thức ăn quá chua cay…
Bệnh nhân cũng được khuyến cáo không để thừa cân, không sử dụng rượu bia, thuốc lá.
– Thời gian chuyển mùa, đặc biệt là chuyển từ mùa ấm sang mùa lạnh. Về sinh lý cơ thể, lớp nhầy của dạ dày, là yếu tố bảo vệ niệm mạc dạ dày, sẽ mỏng đi, dạ dày dễ bị tấn công và dễ bị viêm, loét, trào ngược.
– Người bệnh tuân thủ điều trị kém: Người bệnh uống thuốc khoảng 7 – 10 ngày, khi các triệu chứng đã giảm, họ thường có xu hướng bỏ thuốc. Không tuân thủ điều trị sẽ khiến bệnh dễ tái phát hơn.
Thay đổi lối sống và quản lý chế độ ăn để hạn chế trào ngược dạ dày thực quản tái phát
Khi có triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, cần làm gì để giảm sự khó chịu cho người bệnh, thưa BS?
TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Lý tưởng nhất vẫn là đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác và lên phác đồ bài bản, đúng thuốc, đúng liều lượng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tự nâng cao kiến thức về 2 vấn đề quan trọng: lối sống và chế độ ăn.
Về lối sống, những yếu tố nguy cơ khiến mật độ trào ngược dạ dày thực quản nhiều hơn, ví dụ béo phì, tăng cân, uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá.
Bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản cần ăn thức ăn dễ tiêu, không nêm gia vị nhiều, không ăn cay, hạn chế uống rượu bia, cà phê, các chất kích thích.
3. Thực hư việc nước có ga giúp giảm đầy hơi, đầy bụng
Khi bị đầy hơi do trào ngược dạ dày thực quản, nhiều người chọn giải pháp uống các loại nước có ga. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào? Có nên áp dụng phương pháp này không?
TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Đây là câu hỏi tôi thường xuyên nhận được từ bệnh nhân. Trong thực tế, nhiều người cũng thường dùng cách này.
Tuy nhiên, xét về mặt khoa học, đồ uống có ga không giúp ích trong quá trình tiêu hóa hay chống đầy hơi. Ga trong đồ uống đóng chai là khí CO2 được bơm vào dưới áp suất cao. Lượng khí này hòa tan trong nước, khi uống vào sẽ sinh ra ợ hơi.
Thuốc không kê đơn nào có thể sử dụng khi bị trào ngược dạ dày thực quản?
Bệnh nhân có thể sử dụng loại thuốc không kê đơn nào để giảm bớt các triệu chứng khó chịu do trào ngược dạ dày thực quản gây ra, thưa BS?
TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Thuốc không kê đơn là loại thuốc không cần toa của bác sĩ, có thể mua ở tiệm thuốc. Bên cạnh đó còn thuốc kê đơn, cần phải có toa của bác sĩ mới có thể mua được.
Nhóm thuốc kháng axit dạ dày, hay còn gọi là antacid, là thuốc không kê đơn, có tác dụng giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân khi xuất hiện các triệu chứng trào ngược như nóng bụng, nóng sau xương ức. Thuốc kháng axit có thể mua rất dễ dàng ở các tiệm thuốc.
Trào ngược dạ dày thực quản, sôi bụng do tăng nồng độ axit clohidric. Thuốc kháng axit là một chất muối hoặc một gốc hydroxide để trung hòa axit, giảm độ pH. Hiện nay, trên thị trường có nhiều nhóm thuốc antacid nhưng tựu trung lại có thể được hiểu là những loại thuốc trung hòa axit.
Ngoài ra, một số loại dược thảo có ích trong giai đoạn bệnh nhân có triệu chứng trào ngược. Bệnh nhân có thể uống trà gừng, ăn cam thảo hoặc nghệ để làm dịu triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
5. Phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản bằng cách thay đổi lối sống
Bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản nên chọn những loại thực phẩm nào để tránh kích thích, gây ra những triệu chứng khó chịu? Trong sinh hoạt thường ngày, bệnh nhân cần chú ý những vấn đề gì, thưa BS?
TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Trong vấn đề thay đổi lối sống, bệnh nhân phải giảm căng thẳng. Căng thẳng có liên hệ chặt chẽ đến sự tiết axit dịch vị trong đường tiêu hóa. Khi lo lắng, căng thẳng trong công việc, chúng ta hầu như không muốn ăn uống.
Ngoài ra, không được để thừa cân, béo phì. Đây cũng là một yếu tố nguyên nhân gây trào ngược.
Tiếp đó, phải tăng cường vận động. Những người làm công việc văn phòng thường nhiều, nên cố gắng đi lại nhiều hơn, sử dụng thang bộ thay vì thang máy.
Trong ăn uống, nên hạn chế bớt gia vị, hạn chế các món ăn chua cay, hạn chế bia rượu và bỏ thuốc lá. Thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi, các bệnh hô hấp, đồng thời làm tổn thương đến hệ tiêu hóa, góp phần gây nên chứng trào ngược dạ dày thực quản.
- Theo TS. BS. TRẦN BẢO NGHI
- Nguồn: PKDK Ngọc Minh
- Trình bày: Alo Bác sĩ https://alobacsi.com