BSCKI. Đoàn Minh Yên Hà
Tại sao người bệnh Đái tháo đường cần thay đổi chế độ ăn?
Đái tháo đường với đặc điểm bệnh lý là sự tăng đường (glucose) máu quá mức dẫn đến hàng loạt các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Nguồn nạp glucose đến từ thực phẩm chúng ta ăn uống hàng ngày, do vậy, cần điều chỉnh lại chế độ ăn để ngăn ngừa sự tăng đường máu quá mức và làm chậm sự xuất hiện các biến chứng. Đồng thời, chế độ ăn hợp lý sẽ giúp giảm tần suất hạ đường máu trên bệnh nhân dùng thuốc, giúp đạt mức cân nặng lý tưởng để giảm đề kháng insulin, giúp bình thường hóa mỡ máu, làm chậm tiến trình xơ vữa động mạch.
Nguyên tắc về chế độ ăn đối với người bệnh đái tháo đường type 2
- Nên ăn ba bữa chính trong ngày (sáng, trưa, chiều), hạn chế ăn lặt vặt hoặc các bữa phụ
- Nên ăn đúng giờ ở mỗi bữa chính, đặc biệt ở người bệnh đang dùng insulin.
- Không bỏ bữa, không ăn ít đi ở bữa chính, nhưng cũng không ăn quá nhiều, ăn vừa đủ với nhu cầu của cơ thể
- Loại thực phẩm cần hạn chế là nhóm chất đường bột (có trong cơm,cháo, phở, khoai, bún, mì, bắp, bánh mì, hủ tiếu, trái cây, bánh kẹo, nước ngọt, ….). Tuy nhiên đây là nhóm thực phâm cung cấp năng lượng chính cho cơ thể nên chỉ hạn chế ăn chứ không thể cắt bỏ hoàn toàn khỏi khẩu phần ăn
- Tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ, chất béo tốt, hạn chế muối và các thực phẩm có chất béo xấu.
Phân bố các nhóm thực phẩm trong một bữa ăn như thế nào?
Có 3 nhóm thực phẩm chính cung cấp năng lượng cho cơ thể là carbohydrate (glucid), lipid và protein. Lượng ăn cụ thể tùy vào nhu cầu nặng lượng hàng ngày của người bệnh, nhu cầu này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới, chiều cao, cân nặng và chế độ làm việc của từng người.
- Nhóm chất đường bột (glucid):
Chiếm 50-60% tổng năng lượng hàng ngày. Trung bình trong một bữa ăn chính, người bệnh có thể ăn 1-1,5 chén cơm lưng. Có thể thay cơm bằng các thực phẩm có lượng bột đường tương đương, ưu tiên các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. (chỉ số đương huyết (GI) là chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết của thực phẩm đó sau khi ăn, và chỉ số này được phân thành ba mức thấp (từ 55 trở xuống), trung bình (trong khoảng từ 56 tới 69) hoặc cao (từ 70 trở lên)).
Tương đương với một chén cơm lưng là 1 ổ bánh mì 60g, 1,5 chén bún, 1 củ khoai lang 150g, 1 trái bắp 110g. Các lọaị thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp là khoai lang, cơm gạo lứt, bắp ngọt,…
- Nhóm chất đạm (protid)
Chiếm 15-20% tổng năng lượng hàng ngày hoặc 1g/kg/ngày. Trung bình một người 50kg, hoạt động nhẹ cần 50-60g protid/ngày. Khi người bệnh đã có biến chứng suy thận, cần giảm lượng protid xuống còn 0.6-0.8g/kg/ngày.
1 phần thực phẩm tương đương 10g đạm bao gồm: 50g thịt heo nạc, 50g thịt bò nạc, 40g thịt gà nạc, 90 g cá lóc, 80 g cá thu, 90 g đậu hũ, 1 quả trứng gà (65g), 1 quả trứng vịt (70g).
- Nhóm chất béo (lipid)
Chiếm 15-20% tổng năng lượng hàng ngày hoặc 1g/kg/ngày. Nên ăn các loại chất béo chưa bão hòa như omega 9 (có trong dầu oliu, các loại hat), omega 3 (có nhiều trong cá béo, dầu cải,..). Cần hạn chế các chất béo xấu có trong bơ, mỡ động vật, dầu cọ, dầu dừa…
- Chất xơ:
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, cần bổ sung 20-25g chất xơ/ngày. Lượng này tương đương với rau xanh 300g/ngày, trái cây 200g/ngày. Tuy nhiên, vì trong trái cây có đường fructose dù có tăng đường chậm hơn so với đường sucrose (đường mía), loại đường này vẫn làm tăng đường máu, tăng nồng độ các loại mỡ máu không tốt cho tim mạch (tăng triglyceride, giảm HDL- cholesterol). Vì vậy chỉ nên dùng trái cây với lượng vừa phải. Tổng lượng trái cây trong ngày ăn được bằng khoảng 1 nắm tay của người bệnh. Lưu ý là không dùng trái cây ép lấy nước uống, khi đó mất lượng chất xơ có trong trái cây, làm đường huyết có thể tăng cao.
- Các thực phẩm không nên ăn:
Không nên ăn các loại bánh kẹo ,nước ngot, nước mía, kem,…Khi ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn cần có thới quen đọc nhẵn thành phần dinh dưỡng để tính lượng carbohydrate nạp vào. Ngoài ra, các thực phẩm chứa chất béo no như nội tạng động vật, da, mỡ động vật cũng nên hạn chế để tránh gây tăng mỡ xấu làm tăng quá trình xơ vữa động mạch.
Các phương pháp ước lượng khẩu phần ăn cho người bệnh đái tháo đường type 2:
- Nguyên tắc dĩa thức ăn (dĩa thức ăn 22cm): Nhóm đường bột bột chiếm ¼ dĩa thức ăn, nhóm đạm chiếm ¼ dĩa thức ăn, rau các loại chiếm ½ dĩa thức ăn
- Nguyên tắc bàn tay Zimbabwe: Nhóm đường bột ăn một phần bằng một nắm tay, nhóm đạm ăn một phần bằng 1 lòng bàn tay, có độ dày bằng độ dày ngón tay út, rau ăn đầy hai lòng bàn tay, trái cây ăn bằng một nắm tay, nhóm chất béo giới hạn bằng với đốt đầu tiên của ngón cái ( một muỗng cà phê 5ml)
Bài viết có sử dụng hình ảnh từ nguồn diabetes.org và umassmed.edu