CỘNG HƯỞNG TỪ TOÀN THÂN – Whole-body magnetic resonance imaging (WB-MRI): NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
1/ Cộng hưởng từ toàn thân là gì?
Cộng hưởng từ toàn thân là kỹ thuật hình ảnh tiên tiến giúp khảo sát chi tiết các cấu trúc chính trong toàn cơ thể chỉ với một lần chụp. Phương pháp này không xâm lấn và không sử dụng bức xạ ion hóa (như chụp CT). Kỹ thuật này khảo sát các khu vực quan trọng như não, cổ, cột sống, ngực, bụng – chậu (bao gồm gan, túi mật, tụy, lách, thận, tuyến thượng thận, bàng quang, buồng trứng, tử cung, tuyến tiền liệt).
2/ Ưu điểm-lợi ích của cộng hưởng từ toàn thân
- Chụp cộng hưởng từ toàn thân (WB-MRI) được khuyến cáo để sàng lọc ung thư những đối tượng nguy cơ ung thư cao.
- Lợi ích của WB-MRI trong ung thư học đã được công nhận rộng rãi, được ứng dụng trong một số bệnh như: đa u tủy, ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ cao, u hắc tố (melanoma) [1],…
- Độ nhạy và độ đặc hiệu cao của WB-MRI trong việc phát hiện khối u ác tính đã được chứng minh tương đương với PET/CT trong phát hiện khối u nguyên phát và di căn xa [2], hữu ích trong theo dõi tái phát ở bệnh nhân sau điều trị ung thư.
- Hiệu suất tuyệt vời trong việc phát hiện di căn xương tương đương với hiệu suất của PET/CT, nhạy hơn CT-scan khiến MRI trở thành phương tiện rất tốt để phát hiện di căn xương.
- Sử dụng WB-MRI để phân loại TNM đối với ung thư đại trực tràng và ung thư phổi cũng cho thấy tương đương các phương pháp khác về độ chính xác, đồng thời giúp giảm thời gian phân loại, số lần chụp và chi phí kinh tế [3][4].
- Giúp sàng lọc ung thư ở những đối tượng có tiền sử gia đình mắc ung thư (di truyền) và ở các đối tượng không triệu chứng trong dân số chung theo quan điểm y học dự phòng.
WB-MRI còn giúp phát hiện sớm các tình trạng khác không phải ung thư
Khi bạn già đi, nguy cơ ung thư của bạn tăng lên. Nhưng những người lớn tuổi cũng phát triển các tình trạng khác, ví dụ như:
- Cột sống sẽ được đánh giá để tìm bất thường về tủy sống, thoát vị đĩa đệm và các thay đổi thoái hóa.
- Các bệnh lý khớp háng, khớp cùng chậu,…
- Phát hiện phình mạch không triệu chứng (động mạch não, động mạch chủ,…)
- Các bệnh mãn tính khác: gan, thận, não, xương, tim,…
Phát hiện sớm các bất thường này từ khi chưa có triệu chứng giúp bạn phòng ngừa cũng như đạt hiệu quả tối ưu nếu được điều trị kịp thời.
3/ Đối tượng nào nên chụp cộng hưởng từ toàn thân
- Người có nguy cơ ung thư cao (di truyền, phơi nhiễm môi trường làm việc,…)
- Bệnh nhân ung thư đang điều trị để theo dõi tái phát, tiến triển,…
- Kiểm tra sức khỏe tổng quát: Dành cho người muốn đánh giá toàn thân để phát hiện sớm các bất thường trước khi xuất hiện triệu chứng, hoặc đánh giá các bệnh mãn tính khác.
4/ Nên chụp MRI toàn thân bằng thế hệ máy nào?
WB-MRI nên được thực hiện trên các dòng máy MRI từ trường cao. Phòng khám Ngọc Minh trang bị máy MRI 1,5T thích hợp trong việc chụp WB-MRI. Ngoài ra máy 1,5T có thể được ưu tiên chụp hơn máy 3T khi bệnh nhân có bộ phận giả bằng kim loại không thể tháo rời để hạn chế hiện tượng nhiễu và biến dạng hình ảnh.
5/ Chụp MRI toàn thân trong bao lâu?
Sẽ mất khoảng 60 phút để tiến hành chụp WB-MRI. Tuy nhiên thời gian có thể kéo dài hơn nếu chúng tôi phát có bất thường một cơ quan hoặc bệnh lý nào đó, sẽ chụp thêm những chuỗi xung bổ sung giúp đạt chẩn đoán chính xác nhất.
6/ Những cơ quan nào sẽ được khảo sát trên chụp MRI toàn thân?
Trường khảo sát của WB-MRI đều kèo dài từ đầu mặt cổ đến xương chậu. Chi dưới và chi trên không bao gồm trong khảo sát chung vì không làm tăng hiệu quả chẩn đoán mà lại kéo dài thời gian chụp.
7/ Có nên sử dụng thuốc tương phản từ?
Thuốc tương phản trong protocol WB-MRI chung được coi là không cần thiết và không được khuyến khích. Chỉ nên được sử dụng khi thực hiện thêm các đánh giá chuyên sâu hoặc trong các bệnh lý và hội chứng dễ mắc ung thư, ví dụ như: Li–Fraumeni Syndrome (LFS), đa u sợi thần kinh (NF), Von Hippel–Lindau syndrome (VHL); nghi ngờ các khối u như pheochromocytoma, paraganglioma, GIST, ung thư thận, ung thư vú, ung thư tim,…
8/ Có phải MRI toàn thân phát hiện được tất cả các loại ung thư?
WB-MRI vẫn chưa thay thế được và cần kết hợp bổ sung với các xét nghiệm sàng lọc tiêu chuẩn khác, ví dụ:
- Ung thư vú (nhũ ảnh, siêu âm vú).
- Ung thư cổ tử cung (Pap test hay HPV test).
- Ung thư tuyến giáp (siêu âm).
- Ung thư phổi (CT-scan ngực liều thấp).
- Ung thư đại trực tràng, dạ dày (nội soi),…
Mọi người cần tiếp tục tầm soát ung thư theo khuyến cáo như chụp nhũ ảnh, nội soi đại tràng, CT-scan ngực liều thấp hoặc bất kỳ sàng lọc có mục tiêu nào khác được khuyến cáo vì những phương pháp này đã được chứng minh là có hiệu quả.
9/ Vì sao nên lựa chọn chụp MRI toàn thân ở những đơn vị y tế uy tín?
Phòng khám Ngọc Minh là một lựa chọn đáng tin cậy vì những lý do sau:
- Trang thiết bị hiện đại với máy MRI 1.5 T của hãng GE Hoa Kỳ.
- Chất lượng chụp phim đảm bảo với đội ngũ kỹ thuật viên có nhiều kinh nghiệm đến từ bệnh viện Chợ Rẫy. Quan trọng nhất, quá trình chụp MRI của bạn sẽ được các bác sĩ trực tiếp theo dõi, điều chỉnh kế hoạch (protocol) chụp cụ thể phù hợp với từng bệnh nhân, bổ sung những chuỗi xung phù hợp để có chẩn đoán chính xác nhất.
- Kết quả chụp MRI sẽ được phân tích bởi các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy.
- Các bác sĩ sẽ được tư vấn kết quả, giải đáp thắc mắc một cách tận tâm nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Petralia G, Zugni F, Summers PE, Colombo A, Pricolo P, Grazioli L, Colagrande S, Giovagnoni A, Padhani AR; Italian Working Group on Magnetic Resonance. Whole-body magnetic resonance imaging (WB-MRI) for cancer screening: recommendations for use. Radiol Med. 2021 Nov;126(11):1434-1450.
- Li B, Li Q, Nie W, Liu S. Diagnostic value of whole-body diffusion-weighted magnetic resonance imaging for detection of primary and metastatic malignancies: a meta-analysis. Eur J Radiol. 2014;83:338–344.
- Taylor SA, Mallett S, Ball S, et al. Diagnostic accuracy of whole-body MRI versus standard imaging pathways for metastatic disease in newly diagnosed non-small-cell lung cancer: the prospective Streamline L trial. Lancet Respir Med. 2019;7:523–532.
- Taylor SA, Mallett S, Beare S, et al. Diagnostic accuracy of whole-body MRI versus standard imaging pathways for metastatic disease in newly diagnosed colorectal cancer: the prospective Streamline C trial. Lancet Gastroenterol Hepatol. 2019;4:529–537.
- Zugni F, Padhani AR, Koh DM, et al. Whole-body magnetic resonance imaging (WB-MRI) for cancer screening in asymptomatic subjects of the general population: review and recommendations. Cancer Imaging. 2020