Bệnh nhân nam, 59 tuổi, đến khám vào một chiều muộn. Hai vợ chồng chú đã đến khám tại Ngọc Minh vài lần, lần nào cũng đi chung và cùng vào gặp bác sĩ để nghe tư vấn về bệnh của nhau. Lần này chú nói đến gặp bác sĩ vì một tuần nay, thấy mệt mỏi, uể oải, trong người “khang khác” mọi khi, đau đầu một chút, chóng mặt một chút, ăn ít hơn một chút, chỉ thích ngủ nhiều hơn. Chú nói vẫn đi dạy được bình thường, nên thấy không sao, lâu lâu chắc “trở trời” rồi sẽ hết, không muốn đến khám làm gì nhưng “Bà ấy cứ một hai bắt tôi đến gặp bác sĩ”. Cô thì nói ông ấy gần đây “kỳ kỳ”, đi dạy về không nói nhiều như trước, cứ than mệt mà bỏ đi ngủ, lớn tuổi rồi, bác sĩ đã dặn chúng tôi có gì bất thường phải khám ngay cho chắc.
Hỏi bệnh và khám cho chú, bác sĩ cũng chưa thấy triệu chứng gì rõ rệt, nhưng rõ là “khang khác”. Chú là giảng viên đại học, đã khám cho chú vài lần trước, chú gây ấn tượng vì nói chuyện linh hoạt, vui tính, sắc sảo. Lần này hỏi chú một câu, mất nửa phút chú mới trả lời lại, lời nói nhát gừng, mắt không nhìn thẳng bác sĩ. Dù khám cơ lực của chú đồng đều 2 bên, nhưng khi yêu cầu chú đi vài vòng quanh phòng, dáng đi chú có vẻ hơi liêu xiêu, kém dứt khoát. Mở lại hồ sơ của chú tại Ngọc Minh còn lưu trữ đầy đủ, cách 3 tháng trước chú đã khám vì đau đầu sau khi bị té. Lần đó chú trượt chân trong nhà tắm, đầu đập vào tường, tím một cục đau vài ngày rồi hết. Tuy nhiên trong mục lời dặn của bác sĩ, đã lưu ý cô chú vẫn phải theo dõi trong vài tháng sau những biểu hiện lạ, có thể là hậu quả muộn của chấn thương đầu. May mắn là cô luôn tháp tùng chú trong những lần khám bệnh, được bác sĩ dặn dò, nên quyết đưa chú đến khám. Bệnh nhân được tiến hành chụp cộng hưởng từ sọ não ngay lập tức. Kết quả là có khối máu tụ dưới màng cứng một bên bán cầu não. Chú được chuyển ngay đến bệnh viện để điều trị.
Đây là dạng máu tụ dưới màng cứng mãn tính. Bệnh lý này xảy ra sau chấn thương đầu nhẹ khoảng vài tuần đến vài tháng, thường xảy ra ở người lớn tuổi. Triệu chứng của bệnh này rất mơ hồ, diễn biến từ từ khó nhận biết. Bệnh nhân thường đã quên tiền sử chấn thương đầu trước đó, còn người nhà lại hay lầm tưởng là “bệnh lẫn” của người già nên bỏ qua.
![]() |
![]() |
Vài đặc điểm của máu tụ dưới màng cứng mãn tính:
- Sau va đập ít lâu, máu chảy trong khoang màng não lượng ít, nhưng rỉ rả, kéo dài, đến khi khối máu vượt quá khoảng trống dưới màng cứng, gây chèn ép vào nhu mô não, khi đó sẽ gây nên biểu hiện. Do đó, lúc mới chấn thương, chụp CTScan hay MRI não có thể không phát hiện chảy máu, điều quan trọng là phải theo dõi người bệnh một thời gian sau đó.
- Đa phần gặp ở người lớn tuổi, hoặc người nghiện rượu, khi não bộ có thể đã teo một phần. Thời điểm có triệu chứng thường là 3-4 tuần sau chấn thương, nhưng cũng có thể đến 12 tuần sau đó. Do đó, bệnh nhân thường không nhớ đến va đập đầu trước đó.
- Biểu hiện rất mơ hồ, âm thầm, dễ nhầm lẫn với bệnh khác: sa sút trí tuệ, tai biến mạch máu não, cơn thoáng thiếu máu não. Lúc đầu bệnh nhân thường than phiền nhức đầu, buồn ngủ, lú lẫn, dáng đi không vững, thay đổi tính cách, thường nhất là trầm cảm, ít giao tiếp, có khi cáu gắt vô cớ. Sau đó đau đầu ngày càng tăng dần, kèm theo nôn vọt, giảm thị lực. Khi khối máu tụ lớn lên, sẽ xuất hiện các dấu hiệu thần kinh rõ ràng hơn như yếu liệt nửa người, nói khó, lơ mơ, hôn mê.
Việc điều trị máu tụ dưới màng cứng mãn tính có thể là dùng thuốc hoặc phẫu thuật tùy tình trạng bệnh nhân và thể tích khối máu tụ trong não.Do đó, khi người lớn tuổi gặp chấn thương đầu dù nhẹ, người nhà cần nhận thức rõ các triệu chứng và theo dõi sát người bệnh trong khoảng 3 tháng để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
BS. Trần Khánh Phương
Lão khoa & Cơ xương khớp
Phòng khám đa khoa Ngọc Minh