Giãn Phế Quản là một bệnh phổi mãn tính, trong đó lòng phế quản (đường thở) giãn một cách bất thường vĩnh viễn kèm theo tình trạng nhiễm trùng mãn tính tại đó. Bệnh xuất hiện ngày càng phổ biến liên quan sự gia tăng nhận thức về bệnh của bác sĩ lâm sàng cũng như việc sử dụng phổ biến của CT ngực. Bệnh nhân giãn phế quản thường ho khạc đàm mủ (đàm xanh, vàng hay nâu) nhiều cả ngày và chịu đựng tình trạng nhiễm trùng hô hấp tái đi tái lại. Chụp CT ngực độ phân giải cao là xét nghiệm chẩn đoán quan trọng trong việc xác định bệnh. Việc điều trị bệnh sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây giãn phế quản và tùy vào bệnh cảnh giãn phế quản của từng cá nhân trong sự kết hợp với sử dụng kháng sinh và vận dụng các phương pháp giúp làm sạch đường thở. Một vòng xoắn bệnh lý hiện diện ở bệnh nhân giãn phế quản: không thể tống xuất hết chất tiết tại vị trí giãn khiến viêm nhiễm dễ xảy ra và làm nặng hơn tình trạng phá hủy đường thở.Về mặt diễn tiến bệnh, bệnh nhân thường có đợt cấp nhiễm trùng, thỉnh thoảng sẽ có ho ra máu và khi bệnh tiến triển làm chức năng phổi suy giảm sẽ khiến bệnh nhân trở nên khó thở.
- Nguyên nhân của giãn phế quản là gì?
Nguyên nhân gây giãn phế quản thì rất nhiều và việc xác định nguyên nhân sẽ có ý nghĩa trong việc điều trị ngăn chặn tiến triển của bệnh. Tuy nhiên lên đến 50% trường hợp giãn phế quản khó có thể nhận diện được nguyên nhân. Những nguyên nhân giãn phế quản có thể gồm:
- Sau nhiễm trùng: viêm phổi nặng, ho gà, lao, nhiễm vi khuẩn mycobacteria không lao, sởi,…
- Dị ứng nấm: viêm phế quản phổi di ứng nấm aspergillus
- Viêm phổi hít tái diễn: trào ngược dạ dày-thực quản
- Tắc nghẽn phế quản: dị vật, u bướu, hạch to chèn ép,…
- Bệnh lý bất thường gen: xơ nang, rối loạn hoạt động lông chuyển nguyên phát, khiếm khuyết miễn dịch nguyên phát, thiếu alpha-1 antitrypsin,…
- Bệnh hệ thống: viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn,…
- Điều trị bệnh giãn phế quản ra sao?
Bên cạnh việc điều trị nguyên nhân gây giãn phế quản, những điều trị sau cần được xem xét cho bệnh nhân giãn phế quản:
- Tăng cường những biện pháp làm sạch đường thở
- Kháng sinh: điều trị cho đợt cấp của bệnh hoặc sử dụng kháng sinh đường hít cho mục đích ức chế lâu dài tác nhân vi trùng
- Giảm viêm đường thở: coritcoid hít hay sử dụng kháng sinh nhóm macrolide
- Dãn phế quản trong trường hợp có co thắt phế quản
- Phẫu thuật cắt phổi (trường hợp giãn phế quản khu trú) hay cần làm thuyên tắc cầm máu (trường hợp ho ra máu nhiều)
- Nên ăn gì và làm gì khi bị giãn phế quản?
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng giúp người bệnh giãn phế quản cảm thấy khỏe mạnh và thoải mái. Thức ăn chứa nhiều đạm: thịt, cá, trứng, sữa, pho mát, đậu,…sẽ hỗ trợ cơ bắp trong đó có cả cơ hô hấp được mạnh khỏe.
Uống nước đầy đủ khoảng 1500-2000ml mỗi ngày để đàm loãng đàm giúp dễ dàng tống xuất ra, giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng do ứ đọng đàm gây ra.
Cân nặng nên được giữ ở mức thích hợp. Nếu cân nặng quá mức sẽ khiến tim và phổi phải làm việc nhiều hơn để cung cấp oxy cho cơ thể. Ngược lại, nếu quá ốm sẽ khiến dễ bị nhiễm trùng hơn đồng thời các cơ hô hấp cũng teo và yếu khiến bệnh nhân dễ khó thở hơn.
Bất cứ bài tập nào gây rất ít khó thở chẳng hạn như đi bộ hay bơi lội đều cho thấy cực kỳ hữu ích ở bệnh nhân giãn phế quản. Bệnh nhân giãn phế quản có thể tham gia vào chương trình phục hồi chức năng hô hấp để được hướng dẫn bài tập phù hợp từng cá nhân. Lưu ý một số bệnh nhân giãn phế quản có ho kéo dài sẽ gây ra tiểu không tự chủ, những bài tập về sàn chậu sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giải quyết vấn đề này.
- Làm sao phòng ngừa bệnh giãn phế quản?
Chích ngừa đầy đủ (sởi, ho gà, cúm và viêm phổi do phế cầu) có thể góp phần trong việc giảm tỷ lệ bệnh giãn phế quản. Hơn thế nữa, những bệnh nhân đã bị giãn phế quản thì việc chích ngừa cúm cũng nên được xem xét đầy đủ giúp tránh làm nặng thêm bệnh lý của bệnh nhân.
Hút thuốc lá được biết không phải là nguyên nhân trực tiếp gây giãn phế quản. Tuy nhiên, cai thuốc lá có ý nghĩa rất quan trọng với bệnh nhân giãn phế quản vì nó giúp cải thiện tiên lượng bệnh nhân và tránh làm suy giảm chức năng phổi nhiều hơn liên quan thuốc lá.
Một cơ chế bệnh được nêu lên gần đây gây ra dãn phế quản là do trình trạng nhiễm trùng đường thở kéo dài không được kiểm soát. Do đó,việc điều trị sớm và hiệu quả nhiễm trùng đường thở là cần thiết để phòng ngừa bệnh.
Việc chẩn đoán giãn phế quản sớm rõ ràng mang lại ý nghĩa nhất định trong việc kiểm soát vá điều trị bệnh hiệu quả. Bệnh nhân cần gia tăng nhận thức về bệnh cũng như đến khám sớm trong trường hợp ho khạc đàm kéo dài.
ThS. BS. Nguyễn Hồ Lam
Phòng Khám Đa Khoa Ngọc Minh